Edward Sapir là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, là người duy nhất trong số học trò của Franz Boas ở Đại học Columbia nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa và có những đóng góp quan trọng cho cả nhân loại học ngôn ngữ lẫn văn hóa học.
Edward Sapir sinh ngày 26 tháng 1 năm 1884 ở Lauenberg, Prussia (Phổ), nay là vùng Lebork, Ba Lan, trong một gia đình Do Thái chính thống. Năm lên mười, E. Sapir theo gia đình di cư sang Mỹ, sống ở New York. Tại đây, ông là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong số học sinh di cư ở New York, từng nhận học bổng Pulitzer khi mới mười bốn tuổi. Khi vào học Đại học Columbia vào năm 1901, ngành ngữ văn Đức và ngôn ngữ Ấn – Âu, ông chỉ mất ba năm để hoàn thành chương trình cử nhân ngữ văn Đức (1904) và qua năm sau nhận học vị thạc sĩ chuyên ngành này.
Sớm nhận ra năng lực đặc biệt của E. Sapir về ngôn ngữ học, F. Boas động viên E. Sapir tập trung nghiên cứu các ngôn ngữ thổ dân Mỹ trước nguy cơ các ngôn ngữ này biến mất hoàn toàn. E. Sapir theo học nhân loại học dưới sự hướng dẫn của F. Boas và tiến hành nghiên cứu so sánh hệ ngôn ngữ Ấn – Âu với ngôn ngữ các thổ dân. Ông nhận học vị tiến sĩ nhân loại học vào năm 1909 với luận án về ngôn ngữ Takelma vùng tây nam Oregon.
Ngay sau khi nhận học vị tiến sĩ, ở tuổi hai mươi sáu, E. Sapir được chọn vào mạng lưới nghiên cứu của F. Boas về nhân loại học ở Bắc Mỹ. Ông làm việc trong mạng lưới này mười lăm năm (1910 – 1925) với tư cách là người đứng đầu nhóm khảo sát địa lý ở Canada.
Năm 1925, E. Sapir được mời về Đại học Chicago giữ trọng trách là người tạo sự kết nối giữa hai khoa của Đại học này – khoa xã hội học và khoa nhân loại học. Đây là hai khoa nổi tiếng của Đại học Chicago. Vị trí mới giúp cho E. Sapir nhận ra yêu cầu thiết yếu của nghiên cứu liên ngành. Ông hào hứng tham gia, tổ chức các hội nghị khoa học liên ngành, trở thành người có uy tín trong việc kêu gọi các đồng nghiệp thuộc các chuyên ngành xã hội học, tâm lý học/phân tâm học hiểu ra mối liên kết chung giữa các chuyên ngành. Về phần mình, với tư cách là người giảng dạy khoa học xã hội, E. Sapir ngày càng ý thức sâu sắc hơn về văn hóa, về tâm lý học, về phương pháp luận nghiên cứu khoa học xã hội. Dù vậy, ông vẫn không ngừng quan tâm đến nghiên cứu ngôn ngữ. Trong thời gian ở Đại học Chicago, ông vẫn nghiên cứu điền dã ngôn ngữ của người Navaho và Hupa thuộc bang California.
Năm 1931, E. Sapir chuyển đến Đại học Yale theo lời mời của quỹ Rockefeller. Với uy tín của mình, ông được kỳ vọng là người đem đến cho Đại học Yale hướng nghiên cứu liên ngành. Ông được mời làm trưởng khoa nhân loại học và điều hành nghiên cứu khoa học xã hội theo một chương trình nghiên cứu nhất quán. Tại đây, E. Sapir đã tổ chức Hội thảo khoa học nổi tiếng về “Sự tác động của văn hóa đến tính cách” (The impact of culture on personality). Ông cũng đồng thời phụ trách khoa ngôn ngữ học mới được thành lập và mời một nhóm học trò của ông, tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học ở Đại học Chicago, đến Yale để làm việc cùng ông.
Năm 1937, E. Sapir bị truỵ tim mạch, phải hủy bỏ chuyến du khảo Trung Quốc. Mặc dù ông cố gắng đi giảng dạy lại vào cuối năm 1938 nhưng sức khỏe ông ngày càng yếu. Ông qua đời ngày 4 tháng 2 năm 1939, ở tuổi năm mươi lăm.
E. Sapir công bố nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và đặc biệt nổi tiếng với lý thuyết do ông và học trò ông là Benjamin Whorf đề xuất về tính tương đối của ngôn ngữ (Linguistic relativity), gọi chung là “Giả thuyết Sapir-Whorf”. Giả thuyết này cho rằng có mối quan hệ hệ thống giữa các phạm trù ngữ pháp của một ngôn ngữ với cách người sử dụng ngôn ngữ đó nhận thức và ứng xử với thế giới; bản chất đặc thù của một ngôn ngữ ảnh hưởng đến thói quen tư duy của người sử dụng nó: các mô thức ngôn ngữ khác nhau dẫn đến những mô thức tư duy khác nhau (xem thêm: Thuyết tương đối ngôn ngữ học). E. Sapir cũng nổi tiếng không kém với tư cách là nhà lý luận văn hóa, gắn với những công trình ông công bố từ sau năm 1915 – những công trình vừa phát huy hệ hình tư tưởng của F. Boas, vừa có những đóng góp riêng.
Năm 1916, E. Sapir công bố công trình Quan niệm về thời gian trong văn hóa thổ dân Mỹ: Một nghiên cứu về phương pháp (Time Perspective in Aboriginal American Culture: A Study in Method). Công trình làm rõ phương pháp suy luận lịch sử vốn tiềm ẩn trong quan niệm của F. Boas về sự phục dựng các nền văn hóa và ngôn ngữ (vốn rất có ý nghĩa trong bối cảnh kết quả nghiên cứu khảo cổ về tiền sử châu Mỹ còn quá ít ỏi). Trong công trình này, dựa trên những dữ liệu ngôn ngữ, E. Sapir phân biệt có tính phương pháp luận giữa vai trò của ngôn ngữ và văn hóa trong sự phục dựng lịch sử. Theo đó, không giống như các thành phần khác của văn hóa, sự biến âm trong ngôn ngữ, những dấu vết còn lưu giữ, luôn có những mối quan hệ lịch sử với ngôn ngữ quá khứ. Hệ quả là có thể nhận thức được những mối quan hệ có tính di truyền và phân biệt được với những mối quan hệ khác thông qua việc áp dụng các phương pháp được sử dụng trong ngôn ngữ học lịch sử Ấn – Âu, ngay cả khi không có những dữ liệu bằng chữ viết. Quan điểm của E. Sapir có ý nghĩa định hướng cho các nhà dân tộc học về phương pháp lịch sử trong việc nghiên cứu các hiện tượng dân tộc học từ góc nhìn lịch đại.
Sau công trình kể trên, E. Sapir dành sự quan tâm nhiều hơn đối với những vấn đề có tính lý luận về khái niệm văn hóa. Năm 1917, ông tranh luận với quan niệm của A.L Kroeber về “siêu hữu cơ” (superorganic), về vai trò của kinh nghiệm và thành tựu của cá nhận trong các hệ thống văn hóa. Quan điểm của ông thể hiện rõ trong bài viết “Liệu chúng ta có cần một (hệ thống) siêu hữu cơ?” (Do we need a superorganic), in năm 1917. Đối với ông, khái niệm văn hóa và phương pháp nghiên cứu nhân loại học luôn liên quan đến ngôn ngữ. Ngôn ngữ, theo ông, là một hiện tượng văn hóa cực kỳ đặc biệt. Ngôn ngữ là một minh chứng hoàn hảo của sự khác biệt văn hóa và tính hệ thống của văn hóa; ngôn ngữ cung cấp cho nhà dân tộc học chìa khoá để có những ý niệm chung về cư dân bản địa; qua ngôn ngữ có thể nhận ra những cấu hình tư tưởng của người sử dụng nó. Đối lập với nhiều nhà nhân loại học cùng thời, E. Sapir nhấn mạnh đến tính khả biến bên trong của một nền văn hóa (intracultural variability). Ông cũng phân biệt sự khác nhau giữa những ý nghĩa và kinh nghiệm có tính chủ quan với những biểu thị và quy ước cộng đồng quy định hành xử của một cá nhân.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của E. Sapir công bố năm 1921 là về ngôn ngữ học nhưng trong đó ông cũng dành mối quan tâm thích đáng cho mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa: Ngôn ngữ: Nghiên cứu dẫn luận về diễn ngôn (Language: An Introduction to the Study of Speech). Trong công trình này ông nghiên cứu chuyên sâu hơn về mối quan hệ giữa ngôn ngữ, chủng tộc và văn hóa với luận điểm cơ bản: Ngôn ngữ không tồn tại ngoài văn hóa, không nằm ngoài ngoài những niềm tin, những thực tiễn trong đời sống vốn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác có tính quyết định đối với đời sống của chúng ta (xem thêm Edward Sapir : Language: An Introduction to the Study of Speech, chương XI).
E. Sapir còn có quan tâm đặc biệt đối với tâm lý học văn hóa. Rất tiếc là ông qua đời sớm, những dự định nghiên cứu quy mô về tâm lý học văn hóa cũng như kế hoạch thành lập một viện nghiên cứu tâm lý văn hóa của ông vẫn chưa được thực hiện.