Margaret Mead sinh ngày 16 tháng 12 năm 1901 tại Philadelphia, trong một gia đình Quaker có truyền thống học thuật. Cha của bà, Edward Sherwood Mead, là giáo sư đại học chuyên ngành tài chính – thương mại; mẹ của bà, Emily Fogg Mead, là nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về dân Ý nhập cư và là người đấu tranh vì nữ quyền.
Năm 1920, khi đang là sinh viên của Đại học Barnard, chuyên ngành tâm lý học, bà được học một khoá về nhân loại học do Franz Boas giảng dạy. Khoá học để lại ấn tượng sâu sắc và bà quyết định trở thành một nhà nhân loại học. Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Barnard, M. Mead lập gia đình và vào học khoa nhân loại học Đại học Columbia. Tại đây bà được F. Boas và Ruth Benedict trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn. Bà nhanh chóng trở thành người bạn vong niên thân thiết với R. Benedict.
M. Mead nhận học vị thạc sĩ năm 1924, năm sau bà thực hiện chuyến điền dã đầu tiên đến Samoa. Kết quả chuyến điền dã về sau được công bố trong công trình nổi tiếng Thời thanh xuân ở Samoa (Coming of Age in Samoa) vào năm 1928.
M. Mead nhận học vị tiến sĩ Đại học Columbia năm 1929, dạy lớp học đầu tiên tại trường này vào năm 1940 và gắn bó với nghiệp giảng dạy cho đến năm 1978 khi bà qua đời vì bệnh ung thư tuyến tuỵ. Tuy vậy, bà đã hai lần từ chối khi được đề cử vào chức giáo sư chính thức của Đại học Columbia (vào năm 1958 và năm 1963) vì muốn không bị ràng buộc nhiều và có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, đặc biệt là dành thời gian cho công việc ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ (American Museum of Natural History) mà bà cộng tác từ năm 1926 với tư cách là người trợ lý phụ trách.
M. Mead là người đi nhiều, viết nhiều. Bà đã thực hiện 14 cuộc điền dã, chủ yếu là ở Nam Thái Bình Dương và Bali. Bà có đóng góp đặc biệt trong việc phổ biến tri thức khoa học đối với công chúng Mỹ bằng lối viết giản dị, dễ hiểu. Bà viết trên 30 cuốn sách, biên tập ít nhất mười cuốn, và viết nhiều không kể hết các bài báo cho các tạp chí phổ thông.
Theo gương của R. Benedict, M. Mead tập trung nghiên cứu về cách nuôi dạy trẻ em (children rearing), về mối quan hệ giữa nhân cách và văn hóa. Cùng với R. Benedict, M. Mead được coi là nhà tiên phong của trường phái Văn hóa và nhân cách đặc biệt phát triển ở Mỹ từ những năm 1930 thế kỷ XX. Tuy vậy, nếu như R. Benedict đi tìm mô hình văn hóa trong nhân cách nói chung với sự nhấn mạnh vào tập quán nuôi dạy trẻ, thì M. Mead lại chú ý đến quá trình hình thành nhân cách giai đoạn đầu: từ thời thơ ấu đến tuổi thành niên. Một trong những công trình thể hiện rõ nhất hướng nghiên cứu này, cũng là công trình gây tranh luận nhiều nhất trong các công trình của M. Mead là cuốn Thời thanh xuân ở Samoa (Coming of Age in Samoa).
ImageTheo M. Mead, cuốn Thời thanh xuân ở Samoa là nhằm trả lời câu hỏi vốn đưa bà đến Samoa: Tuổi thành niên ở Mỹ có quá nhiều xao động, bất an. Vậy những hiện tượng tâm lý đó phụ thuộc vào yếu tố sinh học hay yếu tố văn minh? Yếu tố nào có tính chất quyết định? Liệu dưới những điều kiện khác nhau, tuổi thanh xuân có những biểu hiện khác nhau? Theo bà, nếu những bất an và rung động thời thanh xuân là hiện tượng phổ biến ở mọi dân tộc thì có thể kết luận đó là do yếu tố sinh vật quyết định, còn nếu không, thì điều đó bị quy định bởi yếu tố văn hóa.
Để trả lời những câu hỏi trên, M. Mead tiến hành nghiên cứu trong những nhóm nhỏ của người Samoa – một làng có khoảng 600 người trên một hòn đảo thuộc vùng Ta’u. Ở đó, bà tìm hiểu, chung sống, quan sát, và phỏng vấn (qua phiên dịch) 68 phụ nữ trẻ khoảng tuổi từ 9 đến 20. Bà kết luận rằng sự chuyển đổi từ tuổi thơ đến thành niên ở Samoa là một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, suôn sẻ, không có nhiều các cảm xúc âu lo, bồn chồn, hoặc dằn vặt về cảm xúc, tâm lý như thường thấy ở Mỹ. Bà đi đến kết luận rằng chính yếu tố văn hóa đã quy định những đặc điểm tâm lý tuổi thành niên.
Cũng với tư tưởng mang tính “quyết định luận văn hóa” (cultural determinism) kể trên, năm 1935 M. Mead cho ra đời công trình Giới tính và khí chất trong ba xã hội bán khai (Sex and Temperament in Three Primitive Societies), trong đó bà đưa ra vấn đề “nam tính”, “nữ tính” và kết luận rằng giới được quyết định bởi văn hóa. Công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu về giới và là điểm tựa cho phong trào giải phóng phụ nữ, vì trong đó thể hiện rõ tư tưởng khẳng định và bênh vực vai trò phụ nữ, phê phán các nhà nhân loại học đã không chú ý đúng mức đến sự ảnh hưởng của chính trị đối với vai trò của nữ giới.
Kết luận có tính “quyết định luận văn hóa” của M. Mead gây tranh luận lớn trong giới nhân loại học văn hóa trong bối cảnh thuyết “quyết định luận sinh vật” (biological determinism) về sự trưởng thành của con người đang chiếm ưu thế. Trong đó, nổi bật là cuộc “tranh luận Mead – Freeman”. Derek Freeman, nhà nhân loại học người Úc, dựa trên kinh nghiệm điền dã bốn năm của mình ở Samoa và dựa trên các cuộc phỏng vấn chính những người cung cấp tin tức cho M. Mead, cho rằng M. Mead đã không quan tâm đầy đủ đến những hành động liên quan đến giới ở Samoa và kết luận rút ra quá đon giản, sơ sài.
Thực chất cuộc tranh luận Mead – Freeman là cuộc tranh luận giữa quyết định luận sinh vật và quyết định luận văn hóa. Vấn đề đến nay vẫn chưa thật sự ngã ngũ, nhưng những đóng góp của M. Mead là rất lớn đối với trường phái Văn hóa và nhân cách, đối với việc khẳng định vai trò đặc biệt của văn hóa trong sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của con người.
Every time we liberate a woman, we liberate a man.
Margaret Mead