Bài viết này gồm hai phần: (I) Bản chất của khoa học xã hội – nhân văn, trong đó bàn về Đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và đạo học và (II) Những vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV (Phân loại khoa học, Định vị khoa học, Quan hệ với đối tượng nghiên cứu, Quan hệ với con người, Đánh giá chất lượng). Bài này đã trình bày tại Hội thảo bàn về NNCB trong KHXH-NV do hai Đại học Quốc gia tổ chức vào tháng 6-2007, và ở dạng có chỉnh sửa, trình bày tại Hội thảo về lý luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa và con người.
Dẫn nhập
Để bàn về việc nghiên cứu cơ bản trong các khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) thì việc đầu tiên là phải xác định được KHXH-NV là gì, bản chất của chúng, các đặc trưng của chúng như thế nào. Trong khi KHXH-NV có những điểm đặc thù rất riêng khiến chúng khác rất xa các khoa học anh em là khoa học tự nhiên và công nghệ (KHTN-CN).
Vậy mà việc này thường hay bị bỏ qua. Đến nay chưa có một công trình nào – kể cả bộ sách mới nhất và toàn diện nhất về Khoa học xã hội trên thế giới do UNESCO xuất bản[1] – tập trung làm sáng tỏ.
Thành ra nhiều nhà quản lý KHXH-NV ở các bộ và các trường đại học đa ngành (phần đông là xuất thân từ các ngành khoa học tự nhiên) không hiểu hết và không hiểu đúng về KHXH-NV. Không chỉ các nhà quản lý, mà ngay cả chính không ít nhà nghiên cứu KHXH-NV cũng hiểu rất lờ mờ về đối tượng nghiên cứu của mình.
Từ đó nảy sinh rất nhiều vấn đề. Từ những việc bên ngoài như đường lối chính sách, cách thức quản lý, đánh giá và sử dụng kết quả nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV, v.v. thường có nhược điểm chung là rập khuôn giống như KHTN-CN khiến cho việc quản lý kém hiệu quả mà KHXH-NV cũng không phát triển được. Cho đến những việc bên trong như đối tượng, quan hệ, ranh giới các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực, v.v. thường có nhược điểm chung là không được xác định rạch ròi, dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau, giẫm chân lên nhau.
Bởi vậy, bài viết này sẽ gồm hai phần: (I) Bản chất của khoa học xã hội – nhân văn, và (II) Những vấn đề nảy sinh trong nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV.
I- Bản chất của Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn
1. Đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN
KHXH-NV (cũng như KHTN-CN) là sản phẩm của nền văn minh phương Tây, song chúng sinh sau đẻ muộn hơn các KHTN-CN và được thừa nhận thì càng muộn hơn nữa.
Trong một thời gian dài, nói đến “khoa học” là người ta lập tức đồng nhất nó với khoa học tự nhiên: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ở Sài Gòn trước năm 1975 chỉ gọi đơn giản là “Trường Đại học Khoa học”. Vào đầu tk. XX, trong các trường đại học phương Tây, KHXH-NV còn chiếm một vị trí cực kỳ khiêm tốn. Chúng chỉ được thừa nhận và khẳng định rộng rãi trong hơn một nửa sau của tk. XX, song về “tính khoa học” thì có thể nói là thường luôn bị xem là thua kém so với KHTN-CN. Theo A. Kazancigil & D. Makinson, “Trong tâm trí đa số công chúng, thuật ngữ “khoa học” thường gắn liền với các khoa học về tự nhiên. Từ đó, nảy sinh nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại về ý nghĩa của khoa học xã hội và muốn biết rõ phải chăng các khoa học xã hội có thể chiếm một vị thế khoa học” [UNESCO 1999/2007: 19, 20, 33].
Trong so sánh với KHTN-CN, chúng tôi thấy KHXH-NV bộc lộ năm đặc điểm cơ bản như sau:
1.1. Tính phiếm định của đối tượng
Xét về khả năng xác định đối tượng trong so sánh với KHTN-CN thì đặc điểm nổi bật nhất của KHXH-NV là đối tượng của nó mang tính phiếm định (phiếm 泛 = chung chung; “phiếm định” = không xác định rõ ràng).
Đối tượng nghiên cứu của KHTN-CN là các vật thể tự nhiên, các hiện tượng tự nhiên, các máy móc kỹ thuật; thậm chí ngay cả một khoa học trừu tượng như toán học thì cũng có đối tượng là các con số rất minh bạch và cụ thể.
Còn KHXH-NV nghiên cứu về xã hội và con người, thì “xã hội” rõ ràng là một đối tượng rất mơ hồ, không có hình hài cụ thể, không có ranh giới rõ ràng; ngay cả “con người” thì ở đây cũng không phải là con người vật chất, sinh học (con người sinh học là đối tượng của khoa học tự nhiên), mà là khía cạnh tinh thần cùng những quan hệ, những hoạt động, những ứng xử của con người – tất cả đều là những đối tượng không có hình hài cụ thể, ranh giới rõ ràng. Trong KHXH-NV, người nghiên cứu gặp khó khăn rất lớn trong việc xác định đối tượng.
Đặc điểm này dẫn tới vô số hệ quả quan trọng trong khoa học và nghiên cứu KHXH-NV.
1.2. Tính vụn vặt của đối tượng
Xét về khả năng tiếp cận đối tượng thì, do đối tượng mơ hồ, khó xác định nên khả năng tiếp cận đối tượng cũng khó khăn.
Đối tượng của các KHTN-CN rõ ràng bởi nó thường là một chỉnh thể mà con người cách này hay cách khác luôn có thể bao quát được, do vậy có thể tiếp cận được nó một cách tổng thể (cái cây, con vật, trái đất, hành tinh, mưa, bão…).
Còn đối tượng của KHXH-NV thì mơ hồ bởi ta không bao giờ có thể bao quát, và do vậy không thể tiếp cận được nó một cách tổng thể. Chẳng hạn, ta không thể bao quát hoặc tiếp cận được xã hội, lịch sử, ngôn ngữ… mà chỉ có thể tiếp cận được những mảnh riêng biệt, rời rạc của đối tượng như từng con người của tập thể, một sự kiện lịch sử, một từ-ngữ-câu…
Bởi vậy, có thể nói rằng đối tượng của KHXH-NV chỉ cho ta tiếp cận qua những bộ phận tủn mủn, vụn vặt của nó, ta chỉ có thể “thấy cây mà không thấy rừng”.
1.3. Tính lệ thuộc của đối tượng và liên ngành của khoa học
Đối tượng của KHTN-CN là những sự vật, hiện tượng tự nhiên… có tính chỉnh thể, hình thức toàn vẹn nên nó có độ độc lập cao. Việc nghiên cứu chúng có thể khoanh vùng phân chia ranh giới, thu hẹp phạm vi đối tượng, tạo nên tính phân ngành cao.
Còn đối tượng của KHXH-NV là khía cạnh tinh thần cùng những quan hệ, những hoạt động, những ứng xử của con người – chúng hoàn toàn không có một hình thức toàn vẹn, mà lệ thuộc chặt chẽ vào nhau và vào môi trường xung quanh. Việc nghiên cứu một khía cạnh, quan hệ, hoạt động, ứng xử… này luôn phải đặt trong mối liên hệ mật thiết với các khía cạnh, quan hệ, hoạt động, ứng xử… khác của con người, tạo nên tính liên ngành của khoa học.
Nghiên cứu KHTN-CN vì vậy mà tương đối đơn giản, còn nghiên cứu KHXH-NV thì phức tạp hơn rất nhiều. Trong bộ sách Khoa học xã hội trên thế giới, hai tác giả A. Kazancigil và D. Makinson nhận xét rằng số các biến lượng nằm trong phạm vi quan sát của KHXH-NV quá nhiều, với những tổ hợp quá phức tạp, mà khoa học tự nhiên không thể nào so sánh được [UNESCO 1999/2007: 26].
Văn hoá phương Đông chủ yếu là văn hoá nông nghiệp nên tư duy mang tính tổng hợp, và do vậy phương Đông có truyền thống mạnh về những tri thức liên quan đến con người. Vì mang tính tổng hợp cho nên những tri thức này có đặc điểm “văn sử triết bất phân”; vì bất phân nên tuy những tri thức này về cơ bản chính là tri thức KHXH-NV, nhưng trong lịch sử chúng không tách được ra thành từng khoa học.
1.4. Tính đặc thù của nội dung sản phẩm nghiên cứu
Đặc điểm thứ tư của KHXH-NV là nội dung các sản phẩm nghiên cứu của nó mang tính đặc thù.
Trong khi những kết quả nghiên cứu của KHTN-CN mang tính phổ quát (universal), chung cho toàn nhân loại thì kết quả nghiên cứu của KHXH-NV mang tính đặc thù, riêng cho từng dân tộc. P. Wagner đã nhận xét đúng khi cho rằng “Các mô hình quốc gia về khoa học xã hội là sự phản ánh các nền văn hoá dân tộc” [UNESCO 1999/2007: 49].
Tuy rằng trong KHXH-NV ngành nào cũng có phần lý luận đại cương nhưng thường thì những lý luận đại cương được rút ra từ thực tiễn phương Tây hầu như không áp dụng được với thực tiễn Việt Nam và phương Đông; những lý luận được rút ra từ thực tiễn nước này hầu như không thể áp dụng nguyên xi vào nước khác. Việc áp dụng chúng một cách máy móc thường dẫn đến những sai lầm tệ hại.
Một thời (những năm 50 tk XX), trong ngôn ngữ học từng có quan điểm cho rằng động từ tiếng Việt cũng có phạm trù “thời”, “thể” như các ngôn ngữ phương Tây (đã ăn – thời quá khứ; đang ăn – thời hiện tại; sẽ ăn – thời tương lai). Chủ nghĩa hiện thực là phương pháp đặc thù của truyền thống văn học nghệ thuật phương Tây khi được nâng lên thành lý luận phổ quát và áp đặt vào các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam… đã kìm hãm đáng kể sự phát triển của văn học nghệ thuật các nước này trong suốt cả một giai đoạn. Kinh nghiệm cách mạng ở Trung Quốc áp dụng vào cải cách ruộng đất ở Việt Nam gây nên bao khổ đau, áp dụng vào Campuchia gây nên hoạ diệt chủng…
1.5. Tính phổ biến về phạm vi sử dụng sản phẩm nghiên cứu
Cuối cùng, đặc điểm thứ năm của KHXH-NV, theo chúng tôi, là phạm vi sử dụng của sản phẩm nghiên cứu mang tính phổ biến.
Tri thức về KHTN-CN mang tính chuyên sâu. Trong đời sống, không phải lúc nào ta cũng dùng đến những tri thức về lượng giác, về hoá học, v.v. Trong phạm vi một quốc gia, một công trình nghiên cứu KHTN-CN giỏi lắm chỉ in được vài trăm bản, dành cho vài trăm người đọc.
Trong khi đó thì, xưa nay, phàm làm bất kỳ việc gì cũng đều phải động chạm đến những hiểu biết về con người và cộng đồng người, cho nên kiến thức KHXH-NV hiện hữu ở khắp mọi nơi và bao giờ, làm việc gì cũng đều cần đến. Trong phạm vi một quốc gia có dân số trung bình, một công trình nghiên cứu về KHXH-NV thường có tới vài nghìn, thậm chí vài vạn người đọc, nếu không phải là nhiều hơn nữa.
Tất nhiên, nói đến tính phổ biến của KHXH-NV đây là nhìn trên tổng thể, không phải mọi ngành KHXH-NV đều có tính phổ biến như nhau (chẳng hạn, khảo cổ học, ngôn ngữ học, Hán-Nôm có tính chuyên sâu khá cao). Trong mỗi ngành thì lại tuỳ theo phân môn, theo đề tài mà tính phổ biến sẽ khác nhau. Mặc dù thế, không thể dựa vào tính chuyên sâu của một số ngành hoặc phân môn để phủ nhận tính phổ biến của các ngành KHXH-NV nói chung.
Tính đặc thù và tính phổ biến của KHXH-NV không hề mâu thuẫn với nhau: đặc thù là xét về nội dung (thể hiện ở mỗi dân tộc mỗi khác), còn phổ biến là xét về phạm vi sử dụng (có mặt ở khắp mọi nơi).
KHTN-CN phổ quát trên phạm vi thế giới nhưng kém phổ biến trong phạm vi dân tộc (quốc gia). KHXH-NV thì ngược lại, phổ biến trong phạm vi một dân tộc (quốc gia), nhưng kém phổ quát (= đặc thù) trên phạm vi thế giới. Giải thưởng Nobel không có giải cho các ngành KHXH-NV. Đối tượng với tên gọi “Việt Nam học” chủ yếu bao gồm những thành tựu nghiên cứu về Việt Nam của các ngành KHXH-NV chứ không phải của KHTN-CN.
1.6. Tiểu kết
Các đặc trưng của KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN có thể tổng kết trong bảng sau (bảng 1).
Tiêu | KHTN-CN | KHXH-NV |
1. Khả năng xác định đối tượng | Tính xác định | Tính phiếm định |
2. Khả năng tiếp cận đối tượng | Tính toàn vẹn | Tính phiếm định |
3. Quan hệ ngoài của đối tượng và khoa học | Tính độc lập và phân ngành | Tính lệ thuộc và liên ngành |
4. Nội dung nghiên cứu | Tính phổ quát | Tính đặc thù |
5. Phạm vi sử dụng nghiên cứu | Tính chuyên sâu | Tính phổ biến |
2. KHXH-NV trong so sánh với KHTN-CN và đạo học
2.1. Quan hệ bộ ba
Trong khi phương Tây phát sinh và phát triển KHOA HỌC thì ở phương Đông, các thành tựu nhận thức của con người trong lịch sử (kiểu như triết lý âm dương, ngũ hành, kinh dịch, v.v.) tạo thành một sản phẩm có thể gọi chung là “ĐẠO HỌC”.
Khoa học và Đạo học là hai loại sản phẩm tư duy tìm kiếm của con người, chúng có những cơ sở chung nhưng vẫn khác nhau về mọi phương diện, trong đó mỗi cách tiếp cận, mỗi loại sản phẩm có mặt mạnh và mặt yếu riêng, không hẳn loại nào hơn loại nào (so sánh rõ nhất là Tây y và Đông y).
Nếu đặt KHXH-NV trong quan hệ bộ ba “KHTN-CN – KHXH-NV – ĐẠO HỌC” sẽ thấy bật lên rất nhiều điều thú vị, trong đó KHTN-CN và ĐẠO HỌC trở thành hai cực, còn KHXH-NV trở thành mắt xích trung gian chuyển tiếp nằm giữa hai cực ấy.
KHXH-NV dương tính hơn ĐẠO HỌC, nhưng âm tính hơn KHTN-CN.
2.2. Chất dương tính của KHXH-NV so với đạo học
Mặc dù KHXH-NV nghiên cứu những đối tượng có tính tổng hợp, liên ngành nhưng với bản chất khoa học, KHXH-NV luôn cố gắng giới hạn đối tượng (tuy so với KHTN-CN thì đó là một sự giới hạn lỏng), đi theo lối tư duy phân tích, trên cơ sở cách tiếp cận lý tính, coi trọng thực nghiệm.
Và vì còn lỏng lẻo, mơ hồ nên KHXH-NV luôn đặt cho mình nhiệm vụ hướng tới sự rành mạch, rõ ràng, chặt chẽ trong cách lập luận, trình bày, để đạt được sức thuyết phục khoa học.
Tư duy phân tích, giới hạn đối tượng, trọng lý trí, thực nghiệm, lập luận chặt chẽ; trình bày rành mạch, rõ ràng; tạo sức thuyết phục khoa học – tất cả những cái đó chính là những đặc trưng dương tính, nó tạo nên cái phần chung giữa KHXH-NV với KHTN-CN.
2.3. Chất âm tính của KHXH-NV và đạo học
Những đặc trưng của KHTN-CN nói riêng cũng như truyền thống văn hoá phương Tây trọng động nói chung, rất gần với tính cách nam giới, còn những đặc trưng của KHXH-NV và của đạo học, cũng như truyền thống văn hoá nông nghiệp trọng tĩnh nói chung, đều rất gần với tính cách nữ giới:
Nam giới, cũng như KHTN-CN, luôn rất rành mạch, rõ ràng; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, luôn là những thực thể mơ hồ, phiếm định: phụ nữ nghĩ một đằng nói một nẻo, đạo học thâm thúy, KHXH-NV mơ hồ.
Nam giới, cũng như KHTN-CN, là những thực thể có tính độc lập cao, quan tâm đến cái tổng thể, do vậy có khả năng chuyên môn hoá cao; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, thường dễ lệ thuộc hơn, hay quan tâm đến cái chi tiết, tủn mủn, do vậy có khả năng bao quát tốt.
Nam giới, cũng như KHTN-CN, có tính hướng ngoại, hướng đến cái phổ quát và chuyên sâu; còn phụ nữ, cũng như KHXH-NV và đạo học, thường hướng đến cái đặc thù (phụ nữ giữ bản sắc dân tộc tốt hơn nam giới) và phổ biến (chuyện của phụ nữ dễ lan rộng hơn).
Trong các ngành đào tạo KHTN-CN, số nam sinh viên nhiều hơn nữ sinh viên; còn trong các ngành đào tạo KHXH-NV thì, do bản chất âm tính nên, ngược lại, số nữ sinh viên nhiều hơn nam sinh viên. Song ở các hệ đào tạo bậc cao như tiến sĩ (hoặc chức danh cao như giáo sư) thì thường là số cán bộ nam vẫn nhiều hơn cán bộ nữ (mặc dù số nữ ở bậc này của các ngành KHXH-NV vẫn nhiều hơn ở các ngành KHTN-CN), bởi lẽ nam giới có khả năng chuyên môn hoá sâu tốt hơn phụ nữ (ss, phụ nữ thì giỏi làm bếp, nhưng các đầu bếp giỏi nhất đều là nam giới). Thống kê cho thấy trong phần lớn các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE)[2], phụ nữ tốt nghiệp KHXH-NV đều đông hơn nam giới (57,6%), nhưng lên đến bậc tiến sĩ thì giảm xuống còn 39,8% [UNESCO 1999/2007: 156].
Những đặc điểm âm tính đó chính là sự cụ thể hoá 5 đặc trưng cơ bản đã nêu, tạo nên bản chất đặc thù của KHXH-NV.
2.4. Tiểu kết
Những nét tương đồng và khác biệt đã nêu tổng hợp lại tạo thành bức tranh so sánh chung như sau (x. bảng 2).
II- Những vấn đề nảy sinh trong NCCB về KHXH-VH
1. Phân loại khoa học
Việc đầu tiên trong mọi công việc đào tạo và nghiên cứu là phân loại khoa học. Có nhiều cách phân loại, song nếu phân loại theo đối tượng thì cách phân loại cổ điển là chia các khoa học thành “tự nhiên” và “xã hội”. Gần đây, khi khoa học xã hội phát triển mạnh thì trong đó nổi lên phân biệt “khoa học xã hội” và “khoa học nhân văn”.
Đến đây thì sự rắc rối bắt đầu.
Thứ nhất là về tên gọi. Ở Mỹ phân biệt “Các khoa học xã hội và hành vi” (social and behavioural sciences) với “Các khoa học nhân văn” (humanities). Ở Đức phân biệt “các khoa học xã hội” (Sozialwissenschaften) với “Các khoa học tinh thần” (Geisteswissenschaften). Ở Pháp phân biệt “các khoa học xã hội” (sciences sociales)” với “các khoa học về con người” (sciences de l’homme)… [UNESCO 1999/2007: 21].
Thứ hai là về tiêu chí phân loại. Tuy tên gọi thì là “xã hội” / “nhân văn”, song tiêu chí mà phương Tây hay dùng nhất để phân loại lại không phải là “xã hội” hay “nhân văn”, mà là “thực nghiệm” (khoa học xã hội) hay “phi thực nghiệm” (khoa học nhân văn). Trong bảng 3 dưới đây là một số tiêu chí phân biệt 6 ngành khoa học tương đối điển hình (tiêu chí 1-3 lấy ý từ [UNESCO 1999/2007: 101]).
Khi xếp loại các ngành khoa học cụ thể thì càng rối rắm hơn nữa.
Phân loại quốc tế về giáo dục của UNESCO 1977 xếp vào nhóm các “khoa học xã hội và hành vi” 8 ngành: kinh tế học, chính trị học, dân số học, xã hội học, nhân loại học, tâm lý học, địa lý học, nghiên cứu văn hoá khu vực; còn ba ngành lịch sử, văn học, triết học thì xếp vào nhóm khoa học nhân văn [UNESCO 1999/2007: 134].
Đến năm 1997 thì sửa lại: Nhóm “khoa học xã hội và hành vi” gồm 12 ngành: kinh tế học, lịch sử kinh tế, chính trị học, dân số học, xã hội học, nhân loại học (trừ nhân học thể chất), dân tộc học, tương lai học, tâm lý học, địa lý học (trừ địa lý tự nhiên), nghiên cứu hoà bình và xung đột, nghiên cứu nhân quyền. “Nghiên cứu văn hoá khu vực” thay bằng nghiên cứu khu vực và xếp vào khoa học nhân văn [UNESCO 1999/2007: 134].
Ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRC) thì kinh tế học, xã hội học, các khoa học chính trị được xếp vào khoa học xã hội; còn tâm lý học, nhân loại học, ngôn ngữ học được xếp vào khoa học nhân văn. Còn Trường Cao học Khoa học Xã hội (École des hautes études en sciences sociales, EHESS) và Nhà các Khoa học về Con người (Maison des sciences de l’homme, MSH) thì cả hai đều cố gắng nghiên cứu tất cả các ngành [UNESCO 1999/2007: 21].
Trong khi đó một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) về việc giảng dạy các môn trong giáo dục đại học vào năm 1993 cho biết chỉ có 4 môn tâm lý học, xã hội học, khoa học chính trị và nhân loại học là được coi thuộc khoa học xã hội trong tất cả 12 nước được khảo sát[3] [UNESCO 1999/2007: 133]. Ở Pháp, những năm 50, sử học còn là một ngành khoa học nhân văn, từ những năm 60 trở đi mới được coi là một ngành khoa học xã hội [UNESCO 1999/2007: 22].
Ở Đại học Oslo, Na-uy (University of Oslo, x. http://www.uio.no/), các ngành nhân loại học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, chính trị học, địa lý nhân văn đặt ở khoa Khoa học Xã hội (Faculty of Social Sciences); còn các ngành văn hoá học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, khu vực học đặt ở khoa Nghệ thuật (Faculty of Arts).
Jean Piaget trong “La situation des sciences de l’homme dans le système des sciences” (1970) viết: “Cách phân chia các bộ môn tại các trường đại học hết sức khác nhau, giữa nước này với nước khác, và không đủ cho ta một nguyên tắc phân loại” [UNESCO 1999/2007: 20]. Tình trạng lộn xộn này là dễ hiểu bởi nó chính là hậu quả của hai đặc điểm là “tính phiếm định” và “tính lệ thuộc và liên ngành” của KHXH-NV. Song, tình trạng lộn xộn này rõ ràng là đã được gia tăng do việc sử dụng các tiêu chí phân loại một cách tuỳ tiện và nhiều khi phân loại một cách cảm tính không theo tiêu chí nào trong một thời gian dài hình thành các KHXH-NV tạo thành một thói quen khó sửa.
Tình trạng đó đã dẫn đến hiện tượng sử dụng không phân biệt các thuật ngữ “khoa học xã hội” và “khoa học nhân văn”; còn các tạp chí khoa học thì ngày càng không để ý đến ranh giới giữa các ngành khoa học [UNESCO 1999/2007: 134-5]. Đầu những năm 50, Theodor Adorno từng đề xuất quan niệm “phi bộ môn” (non disciplinaires), xoá nhoà ranh giới giữa các khoa học [UNESCO 1999/2007: 12-13]. Đó là một tình trạng “vô chính phủ” trong khoa học đến mức báo động.
Lý giải tình trạng này, A. Kazancigil và D. Makinson cho rằng các khoa học xã hội đều nằm trong một thể liên tục các tri thức mà xét về khía cạnh này [thực nghiệm] thì gần với khoa học tự nhiên, còn xét dưới khía cạnh khác thì lại gắn với triết học và văn hoá học [UNESCO 1999/2007: 24]. Còn Jean Piaget thì đi đến kết luận rằng “Không thể duy trì bất cứ một khác biệt nào về bản chất giữa cái mà ta mệnh danh là “khoa học xã hội” với “khoa học nhân văn”, bởi lẽ hiển nhiên rằng các hiện tượng xã hội tuỳ thuộc vào mọi tinh cách của con người […], và đảo lại, các khoa học nhân văn hết thảy đều mang tính “xã hội” về khía cạnh này hay khía cạnh khác” [UNESCO 1999/2007: 20].
Tính liên tục của tri thức và sự hoà trộn kiểu “trong âm có dương, trong dương có âm” của các hiện tượng xã hội và hiện tượng con người là hoàn toàn đúng, nhưng không phải vì thế mà phủ nhận khả năng phân loại, vì trách nhiệm của khoa học chính là làm rõ ranh giới của cái mù mờ trên cơ sở những tiêu chí rõ ràng và nhất quán.
Quan niệm phân loại của Việt Nam do các cơ quan hữu trách đưa ra gần đây đã không làm được điều đó mà đã theo đuôi các bảng phân loại hiện có và do vậy phản ánh sự lộn xộn trong phân loại KHXH-NV của thế giới phương Tây
Danh mục giáo dục đào tạo Việt Nam (Quyết định số 25/2005/QĐ-TTg ngày 27-1-2005) phân biệt nhóm khoa học “nhân văn” và “khoa học xã hội và hành vi” bên cạnh 5 lĩnh vực đào tạo mang tính KHXH-NV khác (Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Nghệ thuật, Báo chí và thông tin, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật), vô hình chung đã gạt 5 lĩnh vực này ra khỏi khối KHXH-NV nói riêng và khoa học nói chung.
Dự thảo danh mục giáo dục đào tạo của Bộ giáo dục và đào tạo (tháng 11-2005) quy định lĩnh vực “nhân văn” gồm 3 nhóm ngành là ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, nhân văn khác [bao gồm 5 ngành: triết học, lịch sử, văn hoá học, ngôn ngữ học, văn học]; còn lĩnh vực “khoa học xã hội và hành vi” thì bao gồm 5 nhóm ngành là kinh tế học, khoa học chính trị [chứa cả quan hệ quốc tế], xã hội học và nhân học, tâm lý học, địa lý học. Cách phân loại này vi phạm rất nhiều nguyên tắc của khoa học phân loại:
- (a) Phân loại phải không được bỏ sót, vậy mà thiếu hẳn một nhóm ngành rất quan trọng là “khu vực học”.
- (b) Phân loại phải không được chồng chéo, vậy mà các ngành văn hoá học, ngôn ngữ học, văn học, khu vực học thì bị xé lẻ và chồng chéo trong cả ba nhóm ngành “Việt Nam”, “nước ngoài” và “nhân văn khác”.
- (c) Các kết quả phân loại phải đủ lớn và có kích thước tương đối đồng đều, vậy mà các nhóm ngành “xã hội học và nhân học”, “tâm lý học”, “địa lý học” mỗi nhóm chỉ có đúng hai ngành (có nhóm ngành ngoài KHXH-NV còn chỉ chứa một ngành như “báo chí và truyền thông”, “kế toán – kiểm toán”).
2. Định vị khoa học
Do “tính phiếm định” cộng với “tính lệ thuộc và liên ngành” mà không ít người, không ít ngành đã định vị không đúng ngành mình, sinh ra vô số nhầm lẫn và ngộ nhận.
Chẳng hạn, ngành nhân loại học thay vì phải được định vị như một khoa học nghiên cứu về “antropos” nói chung thì ở Âu-Mỹ lại xem nó như một khoa học nghiên cứu về “các xã hội truyền thống xa lạ phi phương Tây”, thành ra gần đây, khi nó bắt đầu mở rộng ra nghiên cứu mọi hình thức xã hội [UNESCO 1999/2007: 24], thì trở nên có nguy cơ trùng với xã hội học. Hoặc ngành “văn hoá học” thay vì phải được định vị như một khoa học nghiên cứu về “văn hoá” thì không ít người lại đồng nhất nó với “nhân loại học văn hoá” (lẫn lộn đối tượng của hai ngành khoa học hoàn toàn khác nhau) hoặc coi văn hoá học như một tập hợp của nhiều bộ môn, dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại trong nghiên cứu và định hướng sai trong đào tạo.
Cũng do “tính phiếm định” cộng với “tính lệ thuộc và liên ngành”, nên trong thời gian gần đây, trên thế giới có một số lượng đáng kể các ngành KHXH-NV mới hình thành. Đó là một hiện tượng đáng mừng, nó phản ánh nhu cầu gia tăng của xã hội và sự phát triển nhanh chóng của khoa học.
Song bên cạnh đó có điều đáng lo ngại là ở thế giới Âu-Mỹ, do ảnh hưởng của truyền thống văn hoá thực dụng, nhiều ngành trong số các ngành mới này được hình thành một cách khá dễ dãi. Bằng chứng điển hình nhất là cách tạo tên gọi cho các ngành mới theo công thức “X studies”, “X science”, thay vì kiểu “X-logy” truyền thống, cùng với cách đặt tên đó là các yêu cầu chặt chẽ của một khoa học đã bị giảm nhẹ.
Ở đây thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa truyền thống khoa học Nga và Âu-Mỹ. Trong khi ở Âu-Mỹ, một khoa học mới hình thành lựa chọn tên theo công thức “X studies” (chẳng hạn ngành văn hoá học ở phương Tây vào nửa đầu tk. XX đã có tên gọi “Culturology”, nhưng về sau tên này đã nhường chỗ cho tên gọi “Culture/Cultural Studies” với một cách nhìn nhẹ hơn, thoáng hơn) thì người Nga thường cố gắng xây dựng nó thành một khoa học chặt chẽ theo kiểu “X-logy” truyền thống (văn hoá học ở Nga là культурология). Bài tổng luận về khoa học xã hội tại Trung và Đông Âu trong bộ “Khoa học xã hội trên thế giới” đã nhận định rằng “kiến thức truyền thống về khoa học xã hội trong các nước Đông Âu và tại Liên Xô trước đây rất dễ phân biệt với các kiến thức xuất xứ từ các tài liệu phương Tây ở đặc tính thường là mang tính triết lý hơn, tầm vóc rộng hơn và linh hoạt hơn” [UNESCO 1999/2007: 207].
3. Quan hệ với đối tượng nghiên cứu
Do có tính lệ thuộc và liên ngành, KHXH-NV có một lợi thế lớn mà các ngành KHTN-CN không thể có được – đó là bản thân đối tượng đã tiềm ẩn khả năng hợp tác đào tạo và nghiên cứu liên ngành rất cao. Mở một ngành đào tạo mới về KHTN-CN dứt khoát đòi hỏi phải có đủ cán bộ được đào tạo theo đúng ngành mới, trong khi mở một ngành đào tạo mới về KHXH-NV có thể sử dụng rất nhiều cán bộ giảng dạy và nghiên cứu từ các ngành có liên quan.
Do đối tượng có tính phiếm định, vô hình, cùng với tính lệ thuộc và liên ngành, khiến cho các kết quả nghiên cứu KHXH-NV nhiều khi trở nên mơ hồ, thiếu rõ ràng.
A. Kazancigil & D. Makinson đã nhận định: “Xét trong lịch sử, khoa học xã hội đã phát triển theo dân tộc. Công việc nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những vấn đề quốc gia” [UNESCO 1999/2007: 20]. Còn P. Wagner thì viết: “Các mô hình quốc gia về khoa học xã hội là sự phản ánh các nển văn hoá dân tộc” [UNESCO 1999/2007: 49]. Tính dân tộc này không có gì đáng ngạc nhiên, vì nó chẳng qua chỉ là hệ quả của tính đặc thù của KHXH-NV. Từ góc độ này nhìn lại, thấy sự phổ biến trong một thời gian dài của quan niệm “châu Âu làm trung tâm”, “Mỹ làm trung tâm” thật nực cười vì không xuất phát từ bản chất của KHXH-NV.
Do nội dung nghiên cứu có tính đặc thù, nên trong KHXH-NV, thành tựu nghiên cứu của các quốc gia có nền văn hoá khác nhau nhìn chung chỉ có thể tham khảo. Khác với trong KHTN-CN, do mang tính phổ quát nên các thành tựu có thể dễ dàng liên thông giữa các quốc gia.
Như vậy, về mặt này, việc nghiên cứu KHXH-NV gặp khó khăn hơn rất nhiều so với KHTN-CN. Nếu một giáo trình về KHTN-CN chỉ cần dịch hoặc biên soạn thì một giáo trình về KHXH-NV lại là một công trình khoa học, và trong nhiều trường hợp, còn là công trình khoa học lớn. Nhiều nhà KHXH-NV trở nên nổi tiếng đều nhờ các giáo trình đại học của mình. Công trình làm cho học giả Việt Nam Đào Duy Anh trở nên nổi tiếng cũng chính là giáo trình “Việt Nam văn hoá sử cương”.
Về mặt phương pháp, do phương Tây có truyền thống văn hoá coi trọng hình thức, coi trọng định lượng, nên các phương pháp điều tra điền dã, thu thập dữ liệu và phân tích thống kê đã rất phát triển. Nó đã thâm nhậm vào nhiều lĩnh vực KHXH-NV như ngôn ngữ học, kinh tế học, xã hội học, nhân loại học, nghiên cứu y tế, dân số, địa lý, chính trị… Các nhà khoa học phương Tây có khuynh hướng xem phương pháp thực nghiệm và thống kê định lượng như một tiêu chí để đánh giá tính khoa học của một ngành KHXH-NV [UNESCO 1999/2007: 24]. Có thể nói rằng đây là một quan điểm sai lầm. Tính thuyết phục của khoa học có thể đạt được bằng hai cách: thực nghiệm và lập luận. Các khoa học tự nhiên như toán học, vật lỳ lý thuyết, tin học đi theo con đường thứ hai. Vậy thì KHXH-NV cũng có thể hướng đến tính khoa học bằng cả hai cách ấy.
4. Quan hệ với con người
Trong nghiên cứu cơ bản về KHXH-NV, ngoài quan hệ với đối tượng nghiên cứu, người thực hiện còn tham gia vào ba mối quan hệ với con người: với đồng nghiệp, với nhà quản lý, và với xã hội.
Trong quan hệ với đồng nghiệp, do đối tượng nghiên cứu có tính phiếm định, vô hình, còn kết quả nghiên cứu thì nhiều khi mơ hồ, thiếu rõ ràng nên dẫn đến hệ quả là hiện tượng bất đồng ý kiến trong KHXH-NV cao hơn rất nhiều so với KHTN-CN. Và cũng bởi vậy mà có hệ quả tiếp theo là các nhà KHXH-NV khó cộng tác với nhau hơn nhiều so với các nhà KHTN-CN. Việt Nam nằm trong khu vực lúa nuớc Đông Nam Á có truyền thống văn hoá trọng tĩnh, âm tính điển hình nhất, do vậy hiện tượng bất đồng ý kiến và khó cộng tác với nhau trong KHXH-NV cũng ở mức cao nhất.
Trong quan hệ với nhà quản lý, do có tính phổ biến nên KHXH-NV xưa nay rất hay bị coi nhẹ, bị coi nhẹ tới mức bất công so với các KHTN-CN. Ở đây tiềm ẩn một nghịch lý: phổ biến thì quan trọng, nhưng phổ biến quá (đến mức không thể thiếu) thì lại bị coi thường. Chẳng khác gì việc con người không thể thiếu không khí một phút giây, song cũng vì thế mà người ta thường nhớ đến việc ăn, việc ngủ hơn là việc thở.
Vào thập niên 60-70, trong suốt hàng chục năm, KHXH-NV không được cử đi đào tạo ở nước ngoài, có những nhà quản lý đã quan niệm một cách đơn giản rằng “Việt Nam đã đánh Mỹ được thì khoa học xã hội của Việt Nam là giỏi nhất, thế giới phải đến đây mà học chứ Việt Nam không phải đi học ai!”
Ngay hiện nay, trong một bộ, một sở khoa học – công nghệ, công việc KHXH-NV nhiều lắm cũng chỉ chiếm một vụ, một phòng, trong khi có vô số vụ, vô số phòng lo các vấn đề KHTN-CN. Ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, chi phí tiền tỷ cho đề tài nghiên cứu KHTN-CN là chuyện bình thường, trong khi chi phí cho các đề tài KHXH-NV khoảng 1-2 trăm triệu thì đã phải xét lên xét xuống rất khó khăn. Ngay trong phạm vi một đại học quốc gia, kinh phí cấp cho các đề tài KHXH-NV nhiều lắm cũng chỉ chiếm tới 1/6-1/7 tổng kinh phí nghiên cứu khoa học là cùng. Sẽ là không ngoa nếu nói rằng tổng số chi phí dành cho KHXH-NV ở Việt Nam trong suốt lịch sử không bằng tiền chi cho một lỗ khoan thăm dò dầu khí bỏ đi.
Do tính phiếm định nên ở một số nước, trong đó có Việt Nam, có lúc một số ngành KHXH-NV đã bị nhà quản lý chi phối về nội dung và kết quả nghiên cứu, khiến chúng rơi vào tình trạng của khoa học minh hoạ. Trong thời kỳ Xô-viết, ngay cả những kết quả điều tra dân số toàn quốc cũng có thể bị huỷ bỏ bởi những lý do chính trị [UNESCO 1999/2007: 222]. Nguyên cả một ngành khoa học như xã hội học, từng bị coi là khoa học “tư sản” và không có đất dung thân. Ngay cả một ngành thuộc nhóm khoa học tự nhiên như điều khiển học mà vào những năm 50 cũng bị coi là khoa học “tư sản”.
Một khi việc nghiên cứu không được tiến hành một cách nghiêm túc theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của khoa học, mà được viết ra với những kết quả định trước theo đơn đặt hàng thì sẽ không còn tính khách quan, điều đó đồng nghĩa với việc khoa học không còn là khoa học nữa, nó tạo ra một môi trường tồn tại cho những công trình mang tính “nguỵ khoa học”, khiến vàng thau lẫn lộn, khiến chính nhà quản lý và xã hội không đánh giá đúng và đánh giá hết được giá trị của các nghiên cứu KHXH-NV.
Những việc quy mô lớn trên thế giới như sự sụp đổ của hệ thống XHCN năm 1991, sự kiện 11-9 ở Mỹ năm 2001; quy mô vừa như sự kiện Gwangju ở Hàn Quốc năm 1980, Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989; quy mô nhỏ như sự kiện Thái Bình ở Việt Nam năm 1997, Tây Nguyên năm 2001 đều có nguyên nhân là việc nhà quản lý chủ quan, coi thường KHXH-NV, nhắm mắt bịt tai không muốn nghe các nhà KHXH-NV công bố những nghiên cứu, nhận định về thực trạng xã hội. Đến lúc theo luật nhân quả “cái gì đến phải đến”, và nếu chưa đến mức đã quá muộn, thì nhà quản lý vẫn còn muốn che dấu sự thật để tiếp tục làm theo ý mình (như trường hợp Mỹ sa lầy ở Iraque) hoặc coi đó là vùng “nhậy cảm” để hạn chế các nhà KHXH-NV có nói thì nói thì thầm thôi.
Do không hiểu hết đặc thù của KHXH-NV nên nhiều chính sách, văn bản (quản lý nghiên cứu, xét phong chức danh, v.v.) đối với hai nhóm khoa học là giống hệt nhau, không hề có sự khác biệt nào. Hậu quả của tình trạng này là KHXH-NV lại càng bị xem nhẹ và không phát triển được.
Cũng do không hiểu hết đặc thù của KHXH-NV nên hệ thống đại học trong khối KHXH-NV vẫn tổ chức theo chế độ đơn tuyến, chuyên ngành giống hệt như ở KHTN-CN, ở Việt Nam tuyển sinh sau đại học vẫn đòi hỏi phải có bằng cấp bậc đại học, cao học đúng ngành hoặc thuộc “ngành gần”, khiến cho KHXH-NV bất lực, không thể tiến tới đào tạo và cấp học vị liên ngành (trên thế giới cũng có tình trạng tương tự, tuy ở mức thấp hơn, x. [UNESCO 1999/2007: 23]).
Trong quan hệ với cộng đồng, do tính phổ biến mà có hiện tượng là công trình KHXH-NV ai cũng đọc được (khác với KHTN-CN nhìn thấy công thức là không thể đọc tiếp được rồi!). Việc “đọc được” này đã đánh lừa nhận thức, khiến họ nghĩ rằng đã đọc được thì có nghĩa là hiểu được, và do vậy cũng có thể phê phán được. Đó là nguyên nhân của những hiện tượng kiểu Trần Mạnh Hảo những năm 90. Do không hiểu hết đặc thù của KHXH-NV nên một số báo chí đã cho đăng tải tuỳ tiện. Cũng do không hiểu nên một số nhà quản lý đã đứng sau bật đèn xanh cho những tiếng nói to mồm đó, gây nên tình trạng nhiễu thông tin.
Ở Trung Quốc, việc coi thường khoa học thời “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng văn hoá” khiến cho đến sau Cách mạng văn hoá, người ta vẫn còn kêu gọi “toàn dân tiến quân vào khoa học”, xem việc nghiên cứu khoa học như một phong trào quần chúng, hết lời ca ngợi “quần chúng lao động sáng tạo”, dẫn đến một trong những hậu quả là tạo ra vô số những “nhà khoa học hoang tưởng”[4]. Ở Việt Nam, những “nhà khoa học hoang tưởng” như vậy trong lĩnh vực KHXH-NV không phải là không có.
5. Đánh giá chất lượng
Để đánh giá chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học (luận văn, luận án, phong chức danh, v.v.) trên thế giới thường đo lường kết quả nghiên cứu khoa học bằng 3 tiêu chí cơ bản:
- (1) Số lượng công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín (theo danh sách) cùng số bằng phát minh (patent) đã đăng ký ở Mỹ và châu Âu.
- (2) Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor, IF) của tạp chí.
- (3) Chỉ số trích dẫn của công trình.
Tiêu chí thứ nhất chỉ đúng cho các KHTN-CN là những ngành có tính phổ quát và chuyên sâu. Với các KHXH-NV mang tính đặc thù và phổ biến thì không thể có những tạp chí quốc tế như vậy. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc này có thể giải quyết bằng cách dùng các Hội đồng ngành để xây dựng một danh sách tạp chí (quốc gia và/hoặc quốc tế) có uy tín cho từng ngành / chuyên ngành KHXH-NV.
Tạp chí có uy tín là tạp chí lớn, có nhiều nhà chuyên môn đọc, và quan trọng hơn hết là tạp chí này phải có một hệ thống bình duyệt nghiêm túc. Có công trình được công bố trên các tạp chí có uy tín mới chỉ có nghĩa là công trình đó có giá trị. Còn giá trị đến mức nào thì phải đo lường bằng 2 tiêu chí tiếp theo.
Tạp chí có uy tín, nhưng uy tín đó sẽ biến động. Hệ số ảnh hưởng (Impact Factor, IF) là thông số cho biết uy tín và giá trị của một tạp chí trong năm. Hệ số ảnh hưởng của một tạp chí trong năm là số lần tham khảo hay trích dẫn trung bình của tất cả các bài báo được công bố trên tạp chí đó trong vòng 2 năm trước. Nó có thể làm cơ sở cho việc xếp hạng tạp chí, và do vậy đánh giá giá trị bài báo đăng trong đó.
Công trình KHTN-CN mang tính phổ quát và thường có dung lượng không lớn nên thường chỉ công bố dưới dạng bài báo. Vì vậy tiêu chuẩn đăng tạp chí quốc tế đối với KHTN-CN mới quan trọng đến thế. Còn công trình KHXH-NV mang tính đặc thù và dung lượng có thể lớn, nên bên cạnh bài báo thì sách và chuyên luận là rất quan trọng. Trong trường hợp này, chỉ có chỉ số tham khảo, trích dẫn mới cho phép phần nào đánh giá được chất lượng của công trình. Cho đến nay, ở Việt Nam cách đánh giá này còn khá xa lạ.
Thay Lời Kết Luận
“Thế kỷ XX được coi là thời kỳ khoa học xã hội đã thực sự chín muồi về trí tuệ và có được sự thừa nhận rộng rãi về chính trị và thể chế” [UNESCO 1999/2007: 33]. Thế kỷ XXI, trong một thế giới kỹ trị và toàn cầu hoá, nhu cầu về KHXH-NV sẽ trở nên lớn hơn, quan trọng hơn KHTN-CN để tạo lại thế cân bằng.
Một số đề xuất:
A- Với nhà nghiên cứu
- Hiểu rõ đặc thù của KHXH-NV và của ngành mình, phát huy cái mạnh, hạn chế chỗ yếu
- Nâng cao năng lực sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại và phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, hướng đến những yêu cầu chặt chẽ của khoa học.
B- Với nhà quản lý
- Hiểu rõ đặc thù của KHXH-NV, xây dựng các chính sách khoa học, quản lý khoa học riêng cho nhóm ngành khoa học xã hội nhân văn.
- Thực sự coi KHXH-NV là khoa học, đối xử với nó như với khoa học.
C- Với cả nhà nghiên cứu và nhà quản lý
Phát huy dân chủ trong nghiên cứu KHXH-NV. Người quản lý: tôn trọng, lắng nghe. Người nghiên cứu: không sợ bóng sợ gió, không tự trói mình.
Thế kỷ XX, người ta hay nói rằng khoa học xã hội vũ trang cho con người công cụ để đấu tranh chống lại mọi lý luận phản động. Theo chúng tôi, trách nhiệm của KHXH-NV phải là giúp giảm bớt đối đầu, giúp cho con người ngày càng hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau hơn.
Tài liệu tham khảo
UNESCO 1999/2007: Khoa học xã hội trên thế giới (Chu Tiến Ánh và Vương Toàn dịch, Phạm Khiêm Ích biên tập và giới thiệu). – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 890 tr.
[1] Bản tiếng Anh 1999, tiếng Pháp 2002, tiếng Việt 2007.
[2] OCDE = Organisation pour la Coopération et le Développement Économique.
[3] Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản và 8 nước châu Âu (Áo, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hà Lan, Nam Tư, Phần Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ).