Bài viết gồm 4 phần: Phần mở đầu giải thích ý nghĩa các từ khóa như ” Đặc điểm cư dân”, “Đặc điểm văn hóa”, “Con người và văn hóa”, ” vấn đề lý luận cơ bản”.
Nội dung chính bao gồm 3 phần sau:
- Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển, hải đảo: khái quát hóa bằng con đường quy nạp, hướng tới khung mẫu khinh – trọng; phát hiện tính phổ quát và phổ dụng của các khung mẫu hỗn hợp phân biệt khinh – trọng có mức độ.
- Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển, hải đảo: cụ thể hóa bằng con đường diễn dịch từ hướng tiếp cận lý thuyết khinh – trọng. Lý thuyết khinh – trọng cho phép suy ra nhiều khung mẫu khinh – trọng mà người ta có thể kiểm tra bằng thực nghiệm hoặc kiến tạo bằng hoạt động thực tiễn.
- Định hướng mô hình phát triển cư dân và văn hóa vùng ven biển, hải đảo – tầm nhìn 2020 và xa hơn nữa (2050). Một phác thảo chiến lược biến đổi vùng ven biển và hải đảo bền vững từ hướng tiếp cận lý thuyết khinh – trọng.
Thế kỷ XXI được các nhà khoa học dự báo là “Thế kỷ của đại dương”, bởi cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu của cuộc sống con người, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang có xu hướng cạn kiệt, sẽ không còn đủ sức để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng tăng của con người. Trong bối cảnh đó, vùng kinh tế ven biển có một tầm quan trọng đặc biệt. Các quốc gia có biển thế giói hiện nay đều hướng tới ưu tiên xây dựng các chiến lược về biển nhằm khai thác và phát huy nguồn tài nguyên phong phú này.
Việt Nam là một quốc gia ven biển. Trong quá trình hình thành và phát triển đất nước, con người Việt Nam từ xa xưa đã có sự gắn kết chặt chẽ với biển bởi địa lý Việt Nam có đường bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với chiều dài bờ biển 3260 km dọc biển Đông, trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam được xếp là quốc gia có đường bờ biển dài thứ 27 trong 165 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, cả nước ta có 24 tỉnh thành phố với 91 huyện, thị xã nằm ven biển trong đó có nhiều huyện đảo lớn. Nếu tính vùng biển bao gồm cả nội thuỷ, lãnh hải thì diện tích vùng biển đã lên tới 226.000 km2 và vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng trên 1 triệu km2.
Dân số vùng ven biển nước ta theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 khoảng 19 triệu người trong đó dân số sống vùng đô thị ven biển chiếm trên 15%, dân số sống trên các đảo chiếm 0,68%. Bởi vậy, đặc điểm đời sống kinh tế – xã hội – văn hóa của cư dân người Việt nói chung và cư dân ven biển, hải đảo nói riêng chịu sự tác động lớn bởi yếu tố biển.
Thực tế cho thấy, lịch sử của dân tộc Việt nam cũng là lịch sử của mối quan hệ tương tác giữa con người Việt Nam với núi rừng, đồng ruộng và biển cả. Dân tộc ta đã không chỉ khai thác các nguồn tài nguyên biển phục vụ cho cuộc sống của mình mà còn xây dựng và hình thành những quan niệm, lối sống của cư dân và văn hóa biển mang những sắc thái đặc thù riêng biệt. Phát huy vai trò và sức mạnh của một quốc gia có nguồn tài nguyên biển dồi dào, dân tộc ta đã ngăn chặn được các cuộc xâm lăng từ bên ngoài, giữ gìn độc lập dân tộc, duy trì được một cuộc sống xã hội ổn định và phát triển. Văn hoá và con người vùng biển và hải đảo Việt Nam đã góp phần vào việc tạo dựng nền văn hoá và con người Việt Nam, duy trì và phát triển của nền văn minh Việt.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc, việc nghiên cứu, phát huy được mọi nguồn lực của xã hội, xây dựng con người và văn hoá Việt Nam, trong đó phát huy được ưu thế và sức mạnh của mọi giá trị văn hoá địa phương, khu vực là có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả trên bình diện hoạt động thực tiễn lẫn tư duy khoa học.
Mặc dù những nghiên cứu về cư dân và văn hoá vùng ven biển, hải đảo đã xuất hiện khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung đó mới chỉ là những nghiên cứu còn tản mạn, bước đầu mang tính định hướng, thăm dò, phục vụ cho những mục tiêu cụ thể mang tính thực tiễn, trước mắt. Hơn nữa, do cách tiếp cận khác nhau vì thế mà kết quả thu được cũng còn những mặt hạn chế. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một công trình quy mô, mang tính hệ thống, liên ngành đi sâu vào lĩnh vực con người và văn hoá cư dân ven biển, hải đảo, nhất là tổng kết một cách hệ thống những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về miền đất, con người và văn hoá của khu vực đặc biệt này. Chúng ta cũng chưa có điều kiện đi sâu phân tích để đưa chiến lược phát triển vùng ven biển, hải đảo gắn liền với chiến lược phát triển văn hoá và con người.
Mở Đầu
Trong đầu đề bài viết có một số từ khóa (key words) cần được giải thích. Đó là các cụm từ như ” Đặc điểm cư dân”, “Đặc điểm văn hóa”, “Con người và văn hóa”, ” vấn đề lý luận cơ bản”.
- Từ mọi góc độ tiếp cận của khoa học, những đặc điểm cư dân bao hàm ý nghĩa của một cộng đồng người sinh sống trong một khu vực được xác định dựa trên các yếu tố lịch sử, địa lý, quá trình tiếp xúc với thiên nhiên, lao động sản xuất, từ đó tạo nên nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán, các mối quan hệ gia đình, xóm làng, giữa các nhóm và tầng lớp xã hội trong những nét khái quát và tương đồng về văn hóa, giá trị. Đặc điểm của cư dân luôn được xem xét dưới góc độ cơ cấu dân số, lao động, việc làm chịu sự chi phối của phương thức sản xuất và trình độ phát triển chung, đồng thời luôn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Biến đổi có nhiều mức độ khác nhau, kể từ sự biến dạng (tức là sự thay đổi trạng thái, thay đổi hình dạng, hoặc thay đổi hình thức) đến biến chất (tức là sự thay đổi tính chất, thay đổi quan hệ, mà căn bản hơn là sự thay đổi bản chất của sự vật, hiện tượng). Biến đổi có nhiều loại khác nhau, kể từ sự tăng trưởng (tức là sự thay đổi theo chiều hướng gia tăng số lượng, mở rộng quy mô) hoặc sụt giảm (tức là sự thay đổi theo chiều hướng giảm trừ số lượng, thu hẹp quy mô) đến phát triển. Phát triển là một dạng biến đổi đặc biệt, đó là sự thay đổi về chất, không chỉ theo hướng tiến hóa, tiến bộ (nghĩa là đi từ thấp đến cao, từ không hoàn thiện đến hoàn thiện) mà còn theo hướng đa dạng hóa (tức là đi từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn thể đến phức thể, phức hợp). Đối lập với phát triển là thoái triển, thoái hóa. Những đặc điểm của các cộng đồng cư dân luôn nằm trong quá trình vận động và biến đổi liên tục này. ở đây cặp phạm trù sẽ được đưa vào phân tích trong khung mẫu khinh – trọng mang tính phổ quát trong đặc điểm cư dân là nông hoặc/ và phi nông gắn với nền kinh tế khai tác tài nguyên biển theo hướng nông – ngư hoặc/và phi nông – ngư.
- Đặc điểm văn hóa. Văn hóa là một khái niệm lâu nay mang nội hàm rộng lớn, liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người và do vậy có rất nhiều cách hiểu khác nhau từ bình diện khoa học đến cuộc sống đời thường. Theo bộ Đại từ điển : Từ Hải, Từ Nguyên xuất bản tại Thượng Hải năm 1989, thì văn hóa vốn là một cách biểu thị chung của hai khái niệm văn trị và giáo hóa. Theo ngôn ngữ của phương Tây, từ tương ứng với văn hóa của tiếng Việt (culture trong tiếng Anh và tiếng Pháp ) có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng .
Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường gắn với nếp sinh hoạt, lối sống của con người biểu hiện qua phong cách ăn mặc, ăn uống, mối quan hệ ứng xử, niềm tin, giá trị, tri thức được tiếp nhận….Bên cạnh đó văn hóa còn được gắn với các loại hình nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ và sáng tạo như thơ ca, phim ảnh, sân khấu…Trong tiếp cận nhân học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một ý nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc sống vốn có của con người, trong đó con người kiến tạo ra những thành tố cơ bản của văn hóa như ngôn ngữ, biểu tượng, giá trị, chuẩn mực đồng thời chính họ chịu sự tác động và chi phối của các thành tố này. Văn hóa cũng không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần (phi vật thể) mà bao gồm cả vật chất (Vật thể). Văn hóa được biểu đạt thông qua hành vi của một cá nhân, đồng thời qua các hành vi tập thể của cộng đồng xã hội.
Cho đến nay có hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa, được đề cập trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân loại học, dân gian học, địa lý nhân văn, lịch sử, văn hóa học, tâm lý học, xã hội học… và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa khá phổ quát như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. [1] Định nghĩa này đã cho phép xác định những đặc điểm văn hóa của một cộng đồng dân cư.
Thực tế cho thấy, trong một nền văn hóa tồn tại nhiều tiểu văn hóa. Văn hóa không chỉ đơn giản là cơ sở đối với nhận thức của con người về thế giới mà trong quá trình tương tác, giao lưu văn hóa giữa các nhóm xã hội, giữa các nền văn hóa, văn hóa còn là cơ sở đánh giá đúng, sai; tốt, xấu, tích cực, tiêu cực…Các nhà xã hội học phân biệt hai cách ứng xử của cá nhân/ nhóm đối với những mẫu văn hóa khác:
- Chủ thuyết vị dân tộc (ethno-centrism): là thông lệ đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn văn hóa của chính dân tộc mình. Khuynh hướng vị tộc là do một cá nhân/ nhóm đã gắn bó mật thiết với các yếu tố văn hóa của dân tộc mình. Điều này tạo ra sự đánh giá bất công hoặc sai lệch một mẫu văn hóa khác bởi lẽ những gì được đánh giá có ý nghĩa khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Chủ nghĩa vị tộc cũng có hai chiều, nếu một cá nhân/nhóm đánh giá một nền văn hóa, một mẫu văn hóa khác theo cách tiêu cực thì ngược lại, cá nhân/nhóm đó cũng có thể bị đánh giá như thế. Các nhà xã hội học, nhân chủng học thường có quan điểm phản đối thuyết vị chủng vì đó là cách phản ứng tiêu cực và bất công, sai lệch đối với những nền văn hóa, mẫu văn hóa khác nhau.
- Chủ thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism): là quan điểm đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn của chính mình hay một cách nói khác là đánh giá văn hóa khác trong cảnh quan văn hóa của chính nó. Đánh giá theo cách này có thể hạn chế hoặc loại trừ được những bất công, sai lệch cũng như phản ứng tiêu cực trước văn hóa khác biệt nhưng lại là thái độ khó đạt được. Muốn đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn của chính bản thân mình, phải hiểu được giá trị, tiêu chuẩn của văn hóa khác cũng như không bị lệ thuộc bởi những giá trị, tiêu chuẩn của nền văn hóa của chính mình. Thuyết này cũng nhấn mạnh rằng các bối cảnh xã hội khác nhau làm nảy sinh các giá trị và tiêu chuẩn khác nhau. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chấp nhận một cách không điều kiện các mẫu văn hóa khác mà đánh giá một cách không định kiến hoặc thiên vị trong bối cảnh văn hóa của chúng.
Giống như những đặc điểm dân cư, lịch sử phát triển của loài người cho thấy những đặc điểm văn hóa của một cộng đồng luôn biến đổi và phát triển liên tục thông qua các mối quan hệ nội tại (sự biến đổi của các mô hình tương tác, giao lưu văn hóa) và quan hệ giữa văn hóa với các thành tố xã hội khác (Chính trị, kinh tế, lao động, trình độ phát triển). ở nền văn hóa chung và quá trình này còn được thúc đẩy và diễn ra nhanh chóng do các nguyên nhân chủ yếu sau: Phát minh: là quá trình tạo ra các yếu tố văn hóa mới có tác động rất lớn đến văn hóa và làm thay đổi cuộc sống của con người. Khám phá: là quá trình nhận ra và hiểu biết về một cái gì đó đang tồn tại. Phổ biến: cả văn hóa vật chất và phi vật chất đều được phổ biến (hay cách gọi khác là khuyếch tán) từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác.
Ở đây cặp phạm trù sẽ được đưa vào phân tích trong khung mẫu khinh trọng mang tính phổ quát trong đặc điểm văn hóa là văn hóa trọng nông – ngư truyền thống và văn hóa trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với đặc điểm kinh tế xã hội vùng ven biển và hải đảo.
- Con người và văn hóa, đặc điểm cư dân (cộng đồng) và đặc điểm văn hóa (nền văn hóa chung của cộng đồng). Dù tiếp cận dưới góc độ khoa học nào cũng không thể phủ nhận con người là chủ thể kiến tạo và làm thay đổi về những đặc điểm văn hóa của mình thông qua sự tác động vào tự nhiên, xã hội và bản thân các mối quan hệ trong cuộc sống con người. Tuy nhiên tiếp cận hành vi và cấu trúc cho thấy cũng diễn ra chiều ngược lại, không phải hành vi nào của con người cũng góp phần tạo ra văn hóa. Nói một cách khác con người cũng là chủ nhân của những đóng góp những hành vi phản văn hóa, phản phát triển vào xã hội. Nếu lấy con người làm khách thể, con người chịu sự tác động, điều chỉnh của nền văn hóa do bản thân họ hoặc cộng đồng tạo ra, ở đây là sự chi phối kiểm soát của văn hóa đối với hành vi cá nhân/ cộng đồng. Điều đó có thể tạo ra hệ quả của những nhận thức và hành vi tích cực của con người trong sự kiểm soát của văn hóa, tuy nhiên cũng có thể là tiêu cực khi nền văn hóa được xem là bảo thủ, trì trệ. Tóm lại mối quan hệ giữa con người và văn hóa, đặc điểm cư dân và đặc điểm văn hóa là mối quan hệ động, biện chứng, không ngừng biến đổi và chuyển hóa lẫn nhau : con người nằm trong văn hóa và văn hóa nằm trong con người. Tuy nhiên về cơ bản mối quan hệ này phải được xem xét trong bối cảnh tình huống cụ thể, đồng thời quan trọng nhất là phải lấy tiếp cận phát triển làm cơ sở cho những đánh giá, nhận định.
- Vấn đề lý luận cơ bản là loại vấn đề lý luận liên quan đến cơ sở lý luận, tức là liên quan đến những khái niệm cơ bản (các phạm trù) và những tiền đề cơ bản (các nguyên lý, tiên đề, định đề,…) hoặc các luận đề xuất phát của tư duy lý luận (tổng quát hoặc chuyên biệt).
I – Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển, hải đảo: Sự khái quát hóa bằng con đường quy nạp [2], hướng tới khung mẫu [3] khinh – trọng [4]
* Đặc điểm cư dân :
Những biến đổi về đặc điểm cư dân ở Việt Nam từ những năm đổi mới đến nay được đánh dấu bằng quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, nghề nghiệp, trên phạm vi toàn quốc. Đặc trưng cơ bản, chủ đạo của quá trình chuyển dịch cơ cấu dân số và lao động – nghề nghiệp là đi theo xu hướng tăng cường phi nông nghiệp hóa nói riêng, gia tăng phi nông hóa nói chung.
Từ trong lịch sử, cư dân ven biển và hải đảo có phương thức sinh sống chủ yếu dựa trên nền tảng của ngư nghiệp kết hợp với nông nghiệp và các ngành buôn bán, dịch vụ có liên quan đến khai thác tiềm năng kinh tế biển. Hãy lấy người lao động với tư cách là đơn vị phân tích nhỏ nhất của cơ cấu xã hội để quy về khung mẫu khinh – trọng thì ta thấy có ít nhất là 4 khung mẫu phổ biến và phổ dụng sau đây:
- Có 2 khung mẫu khinh – trọng thái quá, nghĩa là có 2 nhóm người lao động lựa chọn cực đoan, hoặc là dựa trên lao động truyền thống như thuần nông/ thuần ngư (chỉ làm nông nghiệp, ngư nghiệp, hỗn hợp nông nghiệp và ngư nghiệp theo phương thức truyền thống) hoặc là lao động hiện đại liên quan đến công nghiệp, buôn bán, dịch vụ và ngư nghiệp ( Khai thác tiềm năng kinh tế biển trên hướng phi nông). ở đây tất nhiên trong mô hình hỗn hợp nông, ngư nghiệp cũng được chia ra hai trường hợp nhỏ hơn của khung mẫu khinh trọng thái quá đó là thuần nông hoặc thuần ngư. Khung mẫu này được xem xét nhiều hơn ở mô hình xã hội truyền thống khi các ngành công, thương nghiệp còn kém phát triển và phương thức sinh sống chủ yếu của cư dân ven biển và hải đảo dựa trên nông nghiệp hoặc khai thác ngư nghiệp truyền thống.
- Có 2 khung mẫu khinh – trọng có mức độ. Đặc điểm chung của 2 khung mẫu phân biệt khinh – trọng có mức độ này là tính hỗn hợp giữa phương thức lao động truyền thống ( nông, ngư nghiệp) và phương thức lao động hiện đại (công, thương, ngư nghiệp) tuy nhiên với những mức độ và quy mô khác nhau. Có nhóm người lao động hỗn hợp nông, ngư và phi nông, ngư song coi trọng hình thức truyền thống : nông nghiệp, ngư nghiệp hơn xu hướng phi nông nghiệp, ngư nghiệp tạo ra khung mẫu hỗn hợp trọng nông nghiệp (trên nền tảng của trọng ngư hoặc không trọng ngư). Ngược lại, có nhóm người lao động hỗn hợp phi nông nghiệp hơn là nông nghiệp, tạo ra khung mẫu hỗn hợp trọng phi nông ( trên nền tảng của trọng ngư hoặc không trọng ngư). Hai nhóm này tuy không đối cực với nhau, song vẫn còn đối trọng với nhau.
Sự biến đổi cơ cấu lao động – nghề nghiệp nói riêng, cơ cấu xã hội nói chung của cư dân các vùng ven biển và hải đảo được khái quát hóa thành các khung mẫu khinh – trọng với nguyên tắc lựa chọn khinh – trọng. Thực chất của nguyên tắc đó là người lao động có thể phân biệt hoặc/và không phân biệt, có thể điều chỉnh hoặc/và không điều chỉnh, có thể thay đổi hoặc/và không thay đổi khinh – trọng giữa 2 thái cực lao động truyền thống, giản đơn, dựa trên thuần nông, thuần ngư, hỗn hợp nông ngư theo phương thức truyền thống hoặc/và phi nông trọng ngư, phi nông, phi ngư hoàn toàn. Bởi vì giữa 2 thái cực đó là một dãy liên tục (Continuum) của những sự lựa chọn phương án trung gian, trung dung, trong đó có 2 khung mẫu khinh – trọng phổ quát, phổ dụng, đó là hỗn hợp trọng nông, trọng ngư hoặc/và hỗn hợp trọng công, thương, dịch vụ trên cơ sở trọng ngư hoặc không trọng ngư.
Đối với cấp hộ gia đình, các nguồn tài liệu thực nghiệm khoa học cũng như cả kinh nghiệm dân gian đều xác nhận tình trạng tương tự như cấp độ người lao động. Nghĩa là cũng có 4 khung mẫu khinh – trọng phổ biến và phổ dụng, tuy nhiên vẫn có sự tham gia và chi phối của biến số điều kiện là ngư nghiệp.
Như vậy từ sự tác động của ngư nghiệp và các tiềm năng kinh tế biển có thể thấy khung mẫu khinh – trọng phổ biến và phổ dụng của các hộ gia đình cư dân ven biển có thể biến đổi thành:
- Hộ thuần nông, hộ thuần ngư, hộ hỗn hợp trọng nông, hộ hỗn hợp trọng ngư, hộ hỗn hợp trọng phi nông, hộ phi nông
- Có thể thêm hai loại : hộ hỗn hợp trọng nông, ngư và hộ hỗn hợp trọng phi nông, ngư.
Cấp độ cộng đồng làng – xã trong thực tế hiện nay chỉ cho thấy rõ 2 khung mẫu khinh – trọng phổ biến và phổ dụng. Đó là làng – xã hỗn hợp trọng nông và làng – xã hỗn hợp trọng phi nông. Khi có sự can thiệp của ngư nghiệp tạo thành 3 khung mẫu : làng – xã hỗn hợp trọng nông, ngư; làng – xã hỗn hợp trọng ngư và làng – xã hỗn hợp trọng phi nông, ngư. ( Nếu những khu vực được xác định là ven biển mà không tiếp giáp với biển thì sẽ tính thêm mô hình có làng – xã hỗn hợp trọng nông và làng xã hỗn hợp trọng phi nông).
Không có vùng miền ven biển nào thuần nông, thuần ngư cũng không có vùng miền phi nông, phi ngư hoàn toàn. Nhìn chung, chỉ có một khung mẫu khinh – trọng điển hình, phổ biến và phổ dụng ở mọi cấp độ của khu xã tam nông, đó chính là khung mẫu hỗn hợp trọng nông. Trong khi đó ở khu vực đô thị là trọng phi nông. Tuy nhiên nếu đặt trong việc phân tích các đặc điểm cư dân ven biển và hải đảo mối quan hệ này lại dựa trên nền tảng của mô hình trọng ngư ( Khác với khu vực miền núi quan hệ này lại phải dựa trên nền tảng của mô hình trọng lâm nghiệp).
* Đặc điểm văn hóa:
Tương tự như đặc điểm cư dân, nếu áp dụng khung mẫu khinh – trọng phổ biến và phổ dụng phân tích những đặc điểm văn hóa vùng ven biển và hải đảo, ta thấy 2 khung mẫu điển hình là văn hóa trọng nông nghiệp và văn hóa trọng công, thương nghiệp được tạo nên bởi sự tác động của các yếu tố địa lý, cư dân và con người vùng ven biển và hải đảo. Cùng với công cuộc đẩy mạnh các quá trình thị trường hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa, khung mẫu hỗn hợp trọng văn hoá công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ đang được gia tăng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, cho đến nay nó vẫn chưa đảo ngược được thế khinh – trọng. Vùng ven biển và hải đảo ở Việt Nam nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung về cơ bản vẫn còn đang vận động trong hình thái văn hóa xã hội hỗn hợp trọng nông.
* Đặc điểm cư dân và văn hóa :
Ở một phạm vi nghiên cứu rộng, mối quan hệ giữa con người và văn hóa cư dân vùng ven biển và hải đảo cũng có thể được xem xét trong khung mẫu khinh – trọng khá vĩ mô và phổ quát với hai khuynh hướng : thứ nhất tiếp cận từ góc độ con người xem xét văn hóa có văn hóa trọng cá nhân ( cá nhân, kinh tế, hiện đại, xu thế mới, giá trị phương Tây) và văn hóa trọng tập thể ( cộng đồng, phong tục, truyền thống, bảo thủ, giá trị phương Đông). Thứ hai tiếp cận từ góc độ văn hóa để xem xét con người có con người/ cộng đồng coi trọng văn hóa bản địa, truyền thống, nông nghiệp và con người/cộng đồng coi trọng văn hóa du nhập, hiện đại, công nghiệp. ở đây yếu tố vùng ven biển và hải đảo vẫn được xem xét như một biến số can thiệp đặc biệt.
Khung mẫu khinh – trọng và nguyên tắc lựa chọn khinh – trọng đặc trưng trong nghiên cứu đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển và hải đảo được khái quát hóa bằng con đường quy nạp phù hợp với các nguyên lý hệ thống biện chứng. Đó là các nguyên lý như nguyên lý tương đối, nguyên lý bổ sung, nguyên lý thống nhất đa dạng. Trước hết là phù hợp với nguyên lý tương đối, theo đó thì, về nguyên tắc, không có khung mẫu khinh – trọng nào là duy nhất; không có sự biến hóa, tiến hóa một chiều, do mọi khung mẫu khinh – trọng đều có khả năng như nhau trong điều chỉnh hoặc/và thay đổi sự lựa chọn. Thứ đến là phù hợp với nguyên lý bổ sung. Ngoài 2 khung mẫu khinh – trọng có mức độ đều chấp nhận quan hệ bổ sung lẫn nhau của các mặt đối lập, ở đây là quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa các thành tố trong đặc điểm cư dân, đặc điểm văn hóa, quan hệ giữa cư dân và văn hóa. Toàn thể các khung mẫu khinh – trọng phù hợp với nguyên lý thống nhất đa dạng, thừa nhận độ đa dạng nhất định của các khung mẫu khinh – trọng song trên cơ sở thống nhất bản chất và phạm vi khuôn khổ vùng ven biển và hải đảo.
II- Đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển, hải đảo: cụ thể hóa bằng con đường diễn dịch [5] từ hướng tiếp cận toàn thể luận [6] khinh – trọn
Các khung mẫu khinh – trọng không chỉ được khái quát hóa bằng con đường quy nạp, mà hơn thế nữa, còn có thể cụ thể hóa bằng con đường diễn dịch. Con đường diễn dịch ở đây sẽ xuất phát từ cơ sở lý thuyết toàn thể khinh – trọng.
Cơ sở lý thuyết toàn thể khinh – trọng được xây dựng mô phỏng theo khung mẫu lý thuyết tiên đề hóa, bao gồm 2 thành tố: một là các khái niệm cơ bản và hai là các định đề xuất phát. Dưới đây là một phương án cơ sở lý thuyết toàn thể khinh – trọng.
1. Các khái niệm cơ bản của Toàn thể luận khinh – trọng
1.1. Toàn thể [7]
1.2. Khinh – trọng [8]
2. Các định đề xuất phát của toàn thể luận khinh – trọng (tứ diệu đề)
2.1. Cái toàn thể là một thực thể phổ biến (tính toàn thể là thuộc tính hoặc/và quan hệ phổ biến).
2.2. Toàn thể là hệ thống mâu thuẫn biện chứng giữa tổng thể (phức thể) và nhất thể (chỉnh thể), giữa toàn thể và phi toàn thể.
2.3. Toàn thể có lưỡng tính khinh – trọng, là quá trình toàn đồ khinh – trọng, tức là phân biệt hoặc/và không phân biệt, điều chỉnh hoặc/và không điều chỉnh, thay đổi hoặc/và không thay đổi khinh – trọng.
2.4. Chủ thể là một toàn thể tự chủ khinh – trọng; khách thể là một toàn thể tự nó khinh – trọng; quan hệ chủ thể – khách thể là một toàn thể khinh – trọng.
Cơ sở toàn thể luận khinh – trọng là thành phần lập thuyết. Để có thể triển khai các thành phần luận thuyết và dụng thuyết ta phải chuyển đổi các nguyên tắc thành quy tắc thao tác. Quy tắc thao tác cơ bản ở đây là khung mẫu toàn đồ khinh – trọng. Khung mẫu toàn đồ khinh trọng vận dụng cho trường hợp các song đề – nan đề [9] là khung mẫu bao gồm nhiều khung mẫu khinh – trọng có dạng lược đồ hình thức hóa sau đây [10].
Như vậy là dưới ánh sáng lý thuyết toàn thể khinh – trọng ta thấy có 6 khung mẫu khinh – trọng là:
- Có 2 khung mẫu khinh – trọng thái quá, một bên duy nhất chỉ có chính đề, bên kia duy nhất chỉ có phản đề, 2 bên đối lập, loại trừ nhau hoặc đối kháng, thủ tiêu nhau.
- Có 3 khung mẫu khinh – trọng có mức độ, đó là những khung mẫu hỗn hợp chính đề và phản đề, trong đó có một khung mẫu hỗn hợp trọng chính đề, một khung mẫu hỗn hợp trọng phản đề, và khung mẫu thứ ba là khung mẫu hỗn hợp cân bằng khinh – trọng chính đề và phản đề.
- Có một khung mẫu tổng – tích hợp bất phân khinh – trọng chính đề, phản đề. Trong trường hợp sự biến đổi có dạng tiến hóa, phát triển, tiến bộ thì khung mẫu tổng – tích hợp bất phân khinh – trọng chính đề/phản đề sẽ phân đôi ra thành 2 khung mẫu: một khung mẫu nguyên thủy, tức là khung mẫu nguyên hợp bất phân khinh – trọng chính đề/phản đề và khung mẫu kia là khung mẫu chung kết, tức là khung mẫu thống hợp bất phân khinh – trọng chính đề/phản đề.
Từ hướng tiếp cận lý thuyết toàn thể khinh – trọng này ta có thể suy ra hệ quả vận dụng vào trường hợp đặc điểm cư dân và văn hóa ven biển. Theo đó thì về nguyên tắc có 7 khung mẫu khinh – trọng khác nhau trong quá trình biến đổi đặc trưng con người và văn hóa vùng ven biển, hải đảo từ cổ đại đến hiện đại, áp dụng cho từng cặp phạm trù. Nếu lấy ví dụ xem xét song đề – nan đề cơ bản trong biến đổi văn hóa song đề – nan đề giữa văn hóa nông nghiệp (chính đề) hoặc/và văn hóa công nghiệp hoàn toàn (phản đề), thì ta sẽ có toàn đồ khung mẫu khinh – trọng giữa văn hóa nông nghiệp và văn hóa công nghiệp hoàn toàn như sau
Nếu đối chiếu sự khái quát hóa bằng con đường quy nạp ở mục trên thì ở đây ta thấy sự cụ thể hóa bằng con đường diễn dịch đã làm xuất hiện thêm 3 khung mẫu khinh – trọng, đó là: 1/ Khung mẫu nguyên hợp bất phân khinh- trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp; 2/ Khung mẫu hỗn hợp cân bằng khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp và 3/ Khung mẫu tích hợp bất phân khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp . Ta có thể và cần phải kiểm tra các hệ quả lý thuyết nêu trên bằng nghiên cứu thực địa, thực nghiệm hoặc/và kiến tạo bằng hoạt động thực tiễn. Khung mẫu nguyên hợp bất phân khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công, thương nghiệp có thể kiểm tra qua các nguồn tài liệu lịch sử tam nông hoặc/và kiểm tra qua nghiên cứu các trường hợp tàn dư ở các cơ sở hoặc địa phương mà ở đó còn đậm nét cổ truyền. Khung mẫu hỗn hợp cân bằng khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp có thể phát hiện trong thực tế, kể từ cấp độ phức thể hơn. Khung mẫu tích hợp bất phân khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp khác với khung mẫu nguyên hợp bất phân khinh – trọng văn hóa nông nghiệp/ văn hóa công nghiệp ở trình độ phát triển cao so với trình độ phát triển thấp hoặc chưa phát triển.
Việc tính đến trình độ phát triển sẽ làm phức tạp thêm sơ đồ phân tích khung mẫu khinh – trọng. Lược đồ 7 khung mẫu khinh – trọng nêu trên chưa thể hiện dưới dạng tường minh các trình độ phát triển của mỗi một khung mẫu khinh – trọng. Chẳng hạn như khung mẫu văn hóa nông nghiệp đã có lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, từ phương Đông đến phương Tây…Tuy nhiên. từ khóa “văn hóa nông nghiệp” cho đến nay thường hàm ý là ở trình đồ kém phát triển. Do đó, phù hợp với trình độ phát triển cao, ta cần phải có thuật ngữ khác tương ứng.
III- Bàn về định hướng mô hình đặc điểm cư dân và văn hóa văn hóa vùng ven biển hải đảo bền vững [11] – tầm nhìn 2020 và xa hơn nữa (2050)
Tổng – tích hợp kết quả khái quát hóa bằng con đường quy nạp và cụ thể hóa từ hướng tiếp cận lý thuyết toàn thể khinh – trọng vận dụng vào song đề – nan đề cơ bản của đặc điểm cư dân và văn hóa ven biển, hải đảo ta sẽ thấy rõ hơn định hướng mô hình phát triển vùng ven biển, hải đảo Việt Nam bền vững – tầm nhìn gần (2020) và xa hơn (2050).
Cơ sở lý luận khoa học chung là Toàn thể luận khinh – trọng vận dụng trong nghiên cứu con người và văn hóa, xuất phát từ các định đề cơ bản sau đây:
- Bản chất của vùng ven biển và hải đảo Việt Nam là một hệ thống kinh tế – xã hội mang tính hỗn hợp (mixed society), thể hiện những mâu thuẫn thống nhất giữa yếu tố nội tại trong đặc điểm cư dân, đặc điểm văn hóa, quan hệ giữa cư dân và văn hóa. Các khung mẫu hỗn hợp là đa dạng; trong đó, như đã phân tích ở các phần trên, có thể có khung mẫu hỗn hợp trọng một thành tố, khung mẫu hỗn hợp cân bằng khinh – trọng giũa các thành tố. Bản chất hỗn hợp của của đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển và hải đảo bao hàm cả những khung mẫu khinh – trọng thái quá, như những trường hợp đặc biệt, tới hạn. Đó là các khung mẫu văn hóa nông nghiệp, truyền thống hay văn hóa công nghiệp, thương mại và dịch vụ hiện đại.
- Định đề về quy luật tồn tại vùng ven biển và hải đảo là tương đối khép kín về lãnh thổ cũng như về cơ cấu và chức năng kinh tế – xã hội. Tuy nhiên cô lập chỉ là tương đối; bởi vì khu vực này có mối liên hệ thường xuyên với môi trường, không chỉ với môi trường sinh thái tự nhiên mà còn với môi trường xã hội với các khu vực khác trong bối cảnh giao lưu, hội nhập. Mối liên hệ (liên thông, liên kết) giữa các thành tố trong và ngoài phạm vi không gian, thời gian thực chất là sự tương quan, tương tác liên hệ thống và siêu hệ thống.
- Định đề về quy luật biến đổi của đặc điểm cư dân và văn hóa vùng ven biển và hải đảo theo logic chuyển biến kép; một mặt, là sự chuyển đổi từ hình thái cư dân và văn hóa truyền thống (cổ truyền) đến hình thái hiện đại, còn được gọi là hiện đại hóa; kết quả không chỉ mức sống mà cả chất lượng cuộc sống của khu xã tam nông đều được nâng cao; mặt khác, là sự chuyển hóa từ hình thái tam nông thành hình thái phi tam nông (hình thái xã hội đô thị – công nghiệp). Các quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang gia tăng tất yếu làm giảm trừ số lượng dân cư tam nông và thu hẹp lãnh thổ tam nông để chuyển hóa thành cư dân và lãnh thổ đô thị – công nghiệp ở các vùng ven biển và hải đảo. Cơ cấu xã hội, khuôn mẫu văn hóa cũng sẽ chuyển đổi theo với mức độ ít nhiều phù hợp.
Logic liên – chuyển (liên hệ – chuyển biến) là cốt lõi của mô hình phát triển vùng ven biển và hải đảo theo hướng bền vững. Khi thực hiện quá trình chuyển biến kép thì tất cả các khung mẫu khinh – trọng về nguyên tắc đều khả dĩ và trên thực tế đều khả dụng, khả thi. Các phương án lựa chọn có thể là:
- Theo nguyên tắc được cái này thì mất cái kia, đó là theo khung mẫu khinh – trọng thái quá, hoặc là chuyên nông, ngư (với đặc điểm cư dân), văn hóa thiên về nông nghiệp, truyền thống (với đặc điểm văn hóa) hoặc là chuyên phi nông, khai thác tiềm năng biển (văn hóa thiên về công nghiệp, hiện đại).
- Theo nguyên tắc hơn cái này thì thiệt cái kia, đó là theo khung mẫu khinh – trọng có mức độ, hoặc là hỗn hợp trọng nông, ngư (văn hóa trọng nông nghiệp, truyền thống) hoặc/và hỗn hợp trọng phi nông (văn hóa trọng công nghiệp, hiện đại).
- Theo nguyên tắc vẹn cả đôi đường, đó là khung mẫu cân bằng khinh – trọng hoặc bất phân khinh – trọng, có thể là được cả hai trong mối quan hệ với lợi thế khai thác niềm năng biển (nông và phi nông, văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại) nhưng ở trình độ phát triển thấp kém, hoặc là được cả hai nhưng ở trình độ phát triển trung bình, hoặc là được cả 2 nhưng ở trình độ phát triển cao.
Nguyên tắc toàn thể khinh – trọng, tức là nguyên tắc toàn thể có phân biệt hoặc/và không phân biệt, có điều chỉnh hoặc/và không điều chỉnh, có thay đổi hoặc/và không thay đổi khinh – trọng hướng dẫn sự lựa chọn hợp lý và cả hợp tình giữa các khung mẫu khinh – trọng khả dĩ, khả dụng, khả thi; tránh cố chấp, không nhất thành bất biến mà linh hoạt, ứng vạn biến. Từ đó suy ra rằng không thể quy giản dòng chủ lưu của biến đổi con người và văn hóa về quá trình chuyển đổi từ lao động nông nghiệp, ngư nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, khai thác niềm năng kinh tế biển, từ nền văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp hoàn toàn hoặc từ hỗn hợp khuynh hướng trọng nông sang hỗn hợp trọng phi nông. Bởi lẽ bản chất của sự biến đổi con người và văn hóa là mâu thuẫn biện chứng nội tại và bên ngoài giữa các thành tố, không đơn tuyến, không tuyến tính, không đơn điệu như thành kiến nêu trên.
Nguyên tắc toàn thể khinh – trọng cũng hướng dẫn sự lựa chọn hợp lý và cả hợp tình trình độ phát triển khi Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình ĐTH, CNH, HĐH. Đối với song đề – nan đề truyền thống (kém phát triển) và hiện đại (phát triển) ta có thể hóa giải theo các khung mẫu khinh – trọng; chí ít cũng có thể lựa chọn theo các nguyên tắc: 1/ Được cái này thì mất cái kia, hoặc là 2/ Hơn cái này thì thiệt cái kia, hoặc là 3/ Vẹn cả đôi đường. Vẹn cả đôi đường là lý tưởng của việc kết hợp truyền thống với hiện đại trong quá trình hiện đại hóa.
Do chậm trễ trong phát triển nói chung, chậm trễ văn hóa nói riêng, vùng ven biển và hải đảo Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng tam đề – nan đề, phức tạp hơn so với song đề – nan đề đã nêu.
Tam đề- nan đề cơ bản ở đây là truyền thống – hiện đại – hậu hiện đại. Trong tam đề – nan đề này hàm chứa 3 song đề – nan đề. Đó là 1/ Truyền thống – hiện đại; 2/ Hiện đại – hậu hiện đại và 3/ Truyền thống – hậu hiện đại. Hóa giải tam đề – nan đề có thể quy về hóa giải song đề – nan đề hợp thành. Nhưng ở đây xuất hiện thêm song đề – nan đề, đó là sự biến đổi tuần tự hoặc/và biến đổi nhảy vọt. Tuần tự là con đường đã đi qua của các nước phát triển. Nếu các nước đang phát triển cũng đi theo con đường tuần tự thì vốn đã tụt hậu sẽ càng tụt hậu so với các nước phát triển, không thể hội nhập trong quá trình toàn cầu hóa và thậm chí sẽ loại trừ ra khỏi thế giới hiện đại hóa. Vậy vấn đề đặt ra là phải biết kết hợp tuần tự và nhảy vọt. Kết hợp như thế nào? Toàn thể luận khinh – trọng hướng dẫn lựa chọn các khung mẫu khinh – trọng, chí ít là có 3 phương án lựa chọn:
- Theo nguyên tắc được cái này mất cái kia, hoặc là tiệm tiến (tuần tự) hoặc là đột biến (nhảy vọt). Tiệm tiến thì nguy cơ tụt hậu quá lớn; ngược lại, đột biến thì rủi ro đổ bể cũng rất lớn.
- Theo nguyên tắc hơn cái này thiệt cái kia, đó là theo khung mẫu hỗn hợp phân biệt khinh – trọng có mức độ, hoặc là hỗn hợp coi trọng tuần tự hoặc là hỗn hợp coi trọng nhảy vọt. Cả 2 phương án này đều khả dĩ, khả dụng và khả thi. Giải pháp hỗn hợp trọng tuần tự an toàn hơn, nhưng mức độ biến đổi chậm hơn; ngược lại, giải pháp hỗn hợp trọng nhảy vọt sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nhưng mức độ biến đổi nhanh hơn.
- Theo nguyên tắc vẹn cả đôi đường, đó là theo khung mẫu cân bằng khinh – trọng hoặc bất phân khinh – trọng giữa tuần tự và nhảy vọt.
Tóm lại, định hướng mô hình phát triển con người và văn hóa vùng ven biển, hải đảo Việt Nam bền vững, tầm nhìn gần (2020) chủ yếu sẽ phải hóa giải các song đề – nan đề nông – phi nông, tam nông – phi tam nông, truyền thống – hiện đại; trong khi đó định hướng tầm nhìn xa hơn (2050 chẳng hạn) sẽ phải hóa giải nhiều song đề – nan đề mới, chẳng hạn như song đề – nan đề tuần tự – nhảy vọt nằm trong tam đề – nan đề phức tạp hơn, đó là truyền thống – hiện đại – hậu hiện đại hay là cổ đại – cổ điển – phi cổ điển.
Toàn thể luận khinh – trọng nói chung là cơ sở lý luận khoa học cho việc thấu hiểu và hóa giải các song đề, tam đề nêu trên, sẽ hướng dẫn các phương án lựa chọn hợp lý và cả hợp tình trong hoạt động thực tiễn của biến đổi con người và văn hóa vùng ven biển, hải đảo bền vững. Tuy nhiên, sự sáng tạo ra cái mới thật sự trong hành động cách mạng bao hàm cả yếu tố thử và sai…đòi hỏi việc tổng kết thực tiễn đổi mới để bổ sung cơ sở lý luận, thậm chí thay đổi cả cơ sở lý luận, nếu điều đó là cần thiết./.
Tài liệu tham khảo
- A. Toffler, 1996. Đợt sóng thứ ba. Nxb KHXH. Hà Nội.
- Andrew Shepherd, 1997. Sustainable Rural Development. Macmillan Press Ltđ; London.
- Ban, S.H and Moon, P.Y, 1980. Rural Development. Harvard University Press. Harvard.
- Bennedict J.Tria Kerkvliet, 2005. The power of Everyday politics. How Vietnamese peasants transformed national policy. Cornell University Press. Ithaca and London.
- Bernstein, 2000. Rural Livelihoods: crises and responses. Oxford University Press. Oxford.
- Bob Warner, 2001. Rural Development and off farm employment. UNDP. Hà Nội.
- Cao Xuân Phổ, Văn hoá biển Đông Nam á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á, số 4, 1999.
- D.Bell, 1973. The coming of post – industrial society. New York.
- Đỗ Kim Chung, 1998. Biến đổi xã hội nông thôn trong quá trình CNH, HĐH. Thực trạng và sự phát triển giữa các vùng kinh tế – lãnh thổ ở Việt Nam. Đề tài KHXH 03 – 08/1998.
- Đỗ Hoài Nam, Phát triển kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnh ven biển Việt Nam, Nxb Nxb Khoa học x hội, Hà Nội, 2003
- FAO, 1993. People’s participation in Rural Development.
- Jame C.Scott, 1976. The moral Economy and subsistence in Southeast Asia. New Haven and London, Yale University Press.
- Jamshid Gharajedaghi, 2005. Tư duy hệ thống. Quản lý hỗn độn và phức hợp, một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh. Nxb KHXH. Hà Nội.
- Jan Breman, 1995. Hình ảnh tan vỡ: Xây dựng và phá vỡ hình tượng về làng – xã châu á thời kỳ thuộc địa. Trong sách: “Làng – xã ở châu á và ở Việt Nam”. Nxb TP Hồ Chí Minh. Mạc Đường chủ biên.
- John S.Ambler, 2002. Công cuộc nghiên cứu xã hội ứng dụng đối với sự phát triển nông thôn Việt Nam: sự lựa chọn phương pháp và khả năng tổng hợp. Trong sách: Các nhà Việt Nam học ở nước ngoài viết về Việt Nam. Tập II. Nxb Thế giới. Hà Nội.
- Jon Moris, 1981. Chapter VII. Ideologies – Approaches to Development – the problem and the imperative reconcilling Ideological purity. Trong sách: “Managing Induced Rural Development”. Indian University.
- Lê Cao Đoàn, Đổi mới và phát triển vùng kinh tế ven biển, Nxb Chính trị Quốc gia, 1999
- Martin Roseberg, 1999. Participatory methodologies of Research and Survey in third world Rural development. Agricutural Extesion and Rural Development department. The University of Reading. 30/8/1996.
- Ngân hàng Thế giới, 2003. Báo cáo phát triển thế giới năm 2003. Phát triển bền vững trong 1 thế giới năng động – thay đổi thể chế, tăng trưởng và chất lượng cuộc sống. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hoá dân gian làng ven biển, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000
- Nguyễn Khắc Sử, Biển với cư dân văn hoá tiền sử vùng Đông Bắc, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 1995.
- Nguyễn Khắc Sử, Văn hoá biển tiền sử Việt Nam. Một mơ hình giả thuyết, Tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1997.
- Nguyễn Khắc Sử, Yếu tố núi biển trong thời tiền sử bắc Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 1999.
- Nguyễn Đình Tấn và Lê Tiêu La, Vai trò của nam chủ hộ ngư dân ven biển trong bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
- Philippe Papin – Oliver Tessier (chủ biên), 2002. Làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ. Trung tâm KHXH và NVQG. Hà Nội.
- Piere Gourou, 1936. Người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Paris.
- Samuel L. Popkin, 1979. The Rational peasant. The polotical Economy of Rural Society in Vietnam. University of California Press, Ltđ.
- Tô Duy Hợp (chủ biên), 1993. Tam Sơn – truyền thống và hiện đại. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp (chủ biên), 1997. Ninh Hiệp – truyền thống và phát triển. Nxb KHXH. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp (chủ biên), 2000. Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng. Nxb KHXH. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp (chủ biên), 2002. Luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh chính sách xã hội nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày nay. Nhiệm cụ cấp Bộ. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp (chủ biên), 2003. Định hướng phát triển làng – xã đồng bằng sông Hồng ngày nay. Nxb KHXH. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp, 1996. Đặc điểm tiếp cận hệ thống trong Xã hội học. Tạp chí Xã hội học, số 4/1996.
- Tô Duy Hợp, 1999. Nông thôn Việt Nam trong tiến trình đổi mới: thành tựu, vấn đề, chiến lược phát triển. Trong sách: “Nông thôn trong bước quá độ sang kinh tế thị trường”. Thông tin KHXH, chuyên đề. Hà Nội.
- Tô Duy Hợp, 2001. Lý thuyết hệ thống. Nguyên lý và vận dụng. Tạp chí Triết học, số 9/2001.
- Tô Duy Hợp, 2004. Nan đề và hóa giải nan đề từ hướng tiếp cận toàn thể của I. Kant đến toàn thể luận đương đại. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Hà Nội: Triết học cổ điển Đức – những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học, do trường ĐH KHXH & NV tổ chức.
- Trần Hồng Liên (chủ biên), Cộng đồng ngư dân Việt ở Nam bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004
- Trần Quốc Vượng, Việt Nam và biển Đông, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 3(71), 2000.
- Trần Quốc Vượng, Mấy nét khái quát lịch sử cổ xưa về cái nhìn về biển của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam á, số 1, 1993.
Nguồn: Bài đã trình bày tại Hội thảo chương trình nghiên cứu văn hóa và con người (KX03 – 15/06 – 10)