Văn học Nhật bản là nền văn học lớn và độc đáo trên thế giới. Những người quan tâm văn học không ít ai không biết đến tác phẩm Truyện chàng Genji (Genji monogatari) – tiểu thuyết từng được coi là đầu tiên trên thế giới, thơ haiku ngắn gọn mà đa nghĩa, tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản với ai tác giả được nhận giải thưởng Nobel văn học là Kawabata Yasunari và Ōe Kenzaburo. Nếu như nước Nhật Bản duy tân được các trí thức Việt Nam biết đến từ rất sớm (khoảng những năm 70 của thế kỷ XIX) thì văn học Nhật Bản lại được biết đến muộn hơn rất nhiều. Có lẽ chỉ đến khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra thì văn học Nhật Bản mới được nói đến ở Việt Nam. Dần dần văn học Nhật Bản cũng được dịch ra tiếng Việt với nhiều tác giả nổi tiếng: Ihara Saikaku, Natsume Soseki, Akutagawa Ryūnosuke, Tanizaki Junichiro, Mishima Yukio, Kawabata Yasunari, Abe Kobo, Oe Kenzaburo… Gần đây tiểu thuyết Truyện vũ tướng Taira (Heike Monogatari), Truyện chàng Genji (Genji Monogatari) và thơ haiku của Matsuo Bashō cũng mới được xuất bản.
Tiếp nhận văn học Nhật Bản, độc giả Việt Nam có nhiều ý kiến khác nhau. Ít nhất có hai loại ý kiến:
- Thứ nhất: Cho là rất hay nhưng khó hiểu.
- Thứ hai : Cho là rất lạ lùng, hơn nữa là xa lạ.
Cách suy nghĩ như vậy có khác so với cách đánh giá về văn học phương Tây hay văn học Trung Quốc. Tại sao như vậy? Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng quan trọng nhất là quan niệm văn học truyền thống của người Việt Nam và người Nhật Bản có nhiều điểm khác nhau. Muốn hiểu được và có hứng thú đối với văn học Nhật Bản, thì không thể không tìm hiểu quan niệm văn học Nhật Bản.
Quan niệm văn học chính là phần tự ý thức của nền văn học ấy về bản thân nó. Quan niệm ấy được thể hiện trong các công trình nghiên cứu văn học, bài tựa, bạt trong mỗi cuốn sách và rải rác trong các sáng tác hay thư từ của các nhà văn nhà thơ. Bài luận về văn học sớm nhất trong văn học Nhật Bản là bài tựa tập thi tuyển Cổ kim Hoà ca tập, xuất hiện vào thế X, tiếp đến là các tập: Tinh hoa tân tuyển (Shinsen Zuinô), Ghi chép bỏ túi (Fukuro zoshi), Mỗi nguyệt sao (Maigetsu-shô), Ghi chép lúc nhàn rỗi (Tsurezure-gusa), Ghi chép để dưới gối (Makura no soshi)… Bàn về đặc tính của văn học Nhật Bản không thể không kể đến bài Bàn về Truyện chàng Genji của Motoori Norinaga, một học giả Quốc học nổi tiếng thời Edo.
Các bài bàn về văn học Việt Nam sớm nhất hiện nay còn có được là bài tựa sách Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), sau đó là bài tựa của các tuyển tập thơ văn: Việt âm thi tập tân san của Phan Phu Tiên, Việt âm thi tập tân tuyển, Trích diễn thi tập, Lĩnh Nam chích quái, các bài viết của Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Mộng Liên Đường chủ nhân, v.v… Trong bài tiểu luận nhỏ này chúng tôi xin đi vào vấn đề cơ bản nhất của quan niệm văn học là ý nghĩa của sự tồn tại văn học. Những vấn đề này cơ bản nhất của quan niệm văn học là ý nghĩa của sự tồn tại của văn học. Những vấn đề khác như ý thức nghệ thuật (thế nào là hay là đẹp), mối quan hệ giữa văn học và các ngành nghệ thuật khác v.v… cũng không kém phần quan trọng nhưng xin được trình bày theo dịp khác.
1. Những điểm tương đồng
Những điểm giống nhau về quan niệm văn học ít nhất có thể nói có ba loại:
- Thứ nhất: Loại có tính chất như là thuộc tính của văn học. Bất kỳ văn học nào được coi là văn học, từ sự hình thành của nó cũng đều có.
- Thứ hai: Quan điểm văn học chịu ảnh hưởng của quan niệm văn học Trung Quốc.
- Thứ ba: Những điểm giống nhau do những điều kiện lịch sử văn hóa tương đồng.
Những nguyên lý có tính chất căn bản của văn học như : văn học là nghệ thuật ngôn từ, văn học là phương tiện biểu hiện tình cảm hay văn học là một trò chơi (như cách nói của I.Kant, triết gia, nhà mỹ học Đức thế kỷ XVIII…) thì trong quan niệm văn học của Nhật Bản và Việt Nam đều có.
Mở đầu bài tựa Cổ kim Hòa ca tập (chân danh tự), Kino Yoshimochi viết: “Hòa ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ. Người ta sống trên đời, không thể không làm gì. Suy nghĩ dễ thay đổi lúc buồn lúc vui. Cảm động ở trong lòng, ca vịnh ra thành lời” (1). Quan niệm như vậy về nghệ thuật là quan niệm có tính chất phổ biến. Văn học Hy Lạp, Ấn Độ, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Việt Nam cũng đều quan niệm như vậy.
Ý kiến trên của Kino Yoshimochi có lẽ chẳng khác gì ý kiến của nhà biên khảo thơ Việt Nam Phan Chu Tiên: “Trong lòng có điều gì, tất hình thành ở lời” (2); hay Nguyễn Dưỡng Hạo:” Trúc không có ý gió, nhưng gió đến thì trúc động mà sinh ra tiếng. Lòng người ta không chứa cảnh vật, nhưng tiếp xúc với cảnh vật, lòng người cảm xúc và thành thơ” Bài tựa Phong trúc tập).
Nhật Bản và Việt Nam đều nằm trong khu vực gọi là văn hóa chữ Hán. Vì thế quan niệm văn học Nhật Bản và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc quan niệm văn học Trung Quốc. Văn học Trung Quốc là nền văn học lớn và có quá trình lịch sử lâu dài. Nếu tính riêng về văn học viết thì văn học viết Trung Quốc đã có trước Nhật Bản khoảng mười hai thế kỷ và có trước Việt Nam khoảng mười lăm thế kỷ. Quan niệm về văn học của Trung Quốc đã được phát biểu với ý thức tự giác cao và liên tụv trong lịch sử. Những luận điểm về văn học từ Khổng Tử trong Luận ngữ, Tả Khâu Minh trong Quốc ngữ, Mao Hanh và Mao Trành trong Mao thi, Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long, Chung Vinh trong Thi phẩm, rồi Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Chu Hy…có thể nói đã ảnh hưởng sâu sắc đến những ý kiến bàn về văn học của các học giả Nhật Bản và Việt Nam trước thời cận đại. Thực tế sáng tác của văn học Nhật Bản và Việt Nam có thể không giống lắm với quan niệm văn học Trung Quốc, nhưng lý luận về văn học của cả khu vực. Các nước lại không khác nhiều lắm so với lý luận văn học Trung Quốc. Điều ấy cũng khá đơn giản. Trung Quốc trước kia là trung tâm văn hóa của cả khu vực. Các nước lân cận học tập lý luận văn học Trung Quốc rất tự nhiên như là trên dưới một thế kỷ nay Nhật Bản và Việt Nam tiếp nhận lý luận văn học Âu – Mỹ vậy.
Những quan niệm nào về văn học của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới Nhật Bản và Việt Nam? Có nhiều quan niệm nhưng quan trọng nhất là quan niệm văn học phải gắn liền với đạo đức. Nguyên lý ấy sau này được Nho gia Trung Quốc tổng kết thành mệnh đề “văn dĩ tải đạo” đã trở thành gần như một nguyên lý phổ biến. Người đầu tiên phát biểu về nó có lẽ là Khổng Tử. Trong Luận ngữ, Khổng tử nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khã dĩ oán, khã dĩ quần. Cận nhi sự phụ, viễn nhi sự quân, đa thức điểu thú thảo mộc chi danh “(Thơ có thể làm hứng khởi tinh thần, có thể giúp cho việc quan sát, có thể bộc lộ niềm ai oán, có thể giúp người ta quần tụ. Gần thì thờ cha, mẹ xa thì thờ vua, lại có thể biết được nhiều tên chim thú, cỏ cây). Bài tựa Mao thi viết : “Sửa sang chuyện được mất, động trời đất, cảm quỷ thần, không gì gần hơn Thơ. Các bậc vua trước lấy nó để giữ gìn quan hệ vợ chồng, làm người ta hiếu kính, bồi bổ đạo đức người ta, làm đẹp giáo hóa và thay đổi phong tục” (1).
Một quan niệm như vậy có thê rất thường gặp trong các bài luận về văn học của Việt Nam và Nhật Bản trước thời cận đại. Bài tựa Cổ kim Hòa ca tập (Chân danh tự) viết:” Hòa ca có sáu nghĩa: thứ nhất là phong, thứ hai là phú, thứ ba là tỉ, thứ tư là hứng, thứ năm là nhã, thứ sáu là tụng” (2); hay bài tựa Tân cổ kim Hòa ca tập (Chân danh tự) cũng nói:” Hòa ca lưu hành rất phồn thịnh, dài ngắn dẫu có khác nhau hoặc bày tỏ nổi lòng mà thấu đến tai vua, hoặc ngợi ca đức cả để mà giáo hóa (Fujiwara no Chikatsume) (3).
Về phía Việt Nam, quan niệm văn học phải gắn bó với đạo đức là quan niệm phổ biến, liên tục. Ngô Thì Sĩ viết:” (Thơ) dù là ngâm vịnh mây ráng, thưởng thức gió trăng, nhưng kỳ thực thì không rời khỏi đạo thường của cha con, vua tôi, không ngoài việc đạo lý làm người và việc thường dùng hàng ngày: Nào là đạo cho con, tình anh em, lễ thầy trò. Nghĩa bè bạn, đều tỏ ra ở lời thơ” (bài tựa Mỹ Đình thi tập). Cho đến trước thời cận đại, nhà thơ nổi tiếng nổi tiếng vào hàng đầu của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu đã đưa ra phương châm sáng tác của mình, cũng chính là phương châm sáng tác của mình, cũng chính là phương châm của loại nhà văn nho sĩ Việt Nam thời trung đại:
Học theo ngòi bút chí công,
Trong thơ có ngụ tấm lòng Xuân Thu…
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…
(bài Than đạo trong Ngư tiều y thuật vấn đáp)
Dùng văn học phải như là con thuyền để khởi đạo. Nhà văn phải như là chiến sĩ, dùng ngòi bút để diệt trừ cái ác, cái xấu, theo gương “biệt thiện ác” của Khổng Tử là kinh Xuân Thu. Có thể quan niệm Nho gia văn học đã chi phối khá sâu sắc quan niệm văn học Nhật Bản và Việt Nam, ít nhất cũng là trên bình diện phát ngôn trực tiếp, tức là nhận thức có tính chất lý luận. Tuy nhiên trong thực tế sáng tác văn học Nhật Bản thì tình hình lại khác đi. Điều này chúng tôi sẽ trình bày ở sau. Hơn nữa nội dung của các đạo đức theo quan niệm của các nhà văn Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lại không phải là hoàn toàn giống nhau.
Một điểm giống nhau nữa trong quan niệm văn học giữa Nhật Bản và Việt Nam thời Trung thế kỷ là quan niệm văn học là phương tiện để “khuyến thiện trừ ác”. Cao Xuân Dục, từng làm Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, đã tổng kết : “Thơ cũng như sử, đều mang ý nghĩa khuyên làm việc thiện, ngăn làm việc ác”. (Long cương kinh để hành dư văn tập). Vì thế trong quá trình hiện đại hóa văn học, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các nhà văn Việt Nam cũng như Nhật Bản là phải đả phá hoại văn học “khuyến trừng chủ nghĩa”. Ơû Việt Nam đó là Nguyễn Trọng Quản (tác giả của cuốn tiểu thuyết, đầu tiên còn được đến nay: Chuyện thầy Lazaro Phiền, 1887), là Phạm Quỳnh, là nhóm Tự lực văn đoàn. Ở Nhật Bản đi tiên phong là Tsubouchi Shōyō với cuốn luận văn nổi tiếng Tinh thần tiểu thuyết (Shôsetsu shinzui). Sách Nhật Bản văn học sử của Itô Masao viết: “Nhật Bản từ xưa đến nay, nhìn chung chịu ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo thời phong kiến, tiểu thuyết được sử dụng như là phương tiện để khuyến thiện trừng ác”(tr.155);” Shôyô đã nhiệt liệt tán thưởng luận văn về “ mononoawere ” của Motoori Norinaga, đồng thời công kích mạnh mẽ vào tác phẩm cũa Mã Cầm (Bakin) đáng được coi là điển hình của chủ nghĩa khuyến thiện trừng ác” (tr.155) (1) …
Ảnh hưởng của quan niệm văn học Trung Quốc đến quan niệm văn học Nhật Bản và Việt Nam có thể thêm nhiều điểm khác nữa như quan niệm “hậu cổ bạc kim”, một số tiêu chuẩn để đánh giá văn học Trung Quốc đến quan niệm văn học “hậu cổ bạc kim”, một số tiêu chuẩn để đánh giá văn học v.v…Ngoài những điểm giống nhau kể trên, cần thiết phải kể đến những giống nhau trong quan niệm văn học Nhật Bản và Việt Nam do những điều kiện lịch sử văn hóa tương đồng. Về điểm này thì quan niệm văn học như là một biểu hiện của tinh thần độc lập dân tộc về mặt hiến là quan niệm nổi bật nhất.
Việt Nam cũng như Nhật Bản muốn tồn tại bên cạnh nền văn học lớn như văn học Trung Hoa thì phải có ý thức đề cao dân tộc, khẳng định sự độc lập dân tộc, khẳng định sự độc lập vê văn hiến như là cái gốc của nền độc lập dân tộc. Sự tiếp nhận văn học Trung Hoa là cần thiết, nhưng mỗi nước phải có một nền văn hiến riêng của mình. Kino Yoshimochi phê phán mạnh mẽ thói học theo văn học Trung Hoa là phai nhạt tinh thần Nhật Bản: ”Từ khi hoàng tử Otsu bắt đầu làm thơ phú thì những kẻ thi nhân, tài tử cũng hâm mộ làm theo. Văn học Trung Hoa du nhập vào ta làm biến cải phong tục Nhật Bản“. Oâng hết sức đề cao Hòa ca, cho rằng không kém gì Thi kinh hay thơ ca Trung Hoa cả. (1)
Ở Việt Nam cũng vậy. Khi soạn Việt Điện U Linh, Lý Tế Xuyên rất có ý thức sưu tầm những truyền thuyết lịch sử của các vị anh hùng dân tộc, những câu chuyện gọi là “linh dị” ấy lại chính là văn học dân tộc, giúp cho Việt Nam suốt 1000 năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa bởi Trung Quốc (xem tựa sách Việt điện u linh). Nguyễn Trãi thì đường đường khẳng định nước Việt Nam là một nước văn hiến lâu đời:
Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam Bắc phong tục diệc dị.
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thời hoặc bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp.
(Bình Ngô đại cáo)
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý ,Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Nền văn hiến bao gồm nhiều mặt, song một trong những lãnh vực quan trọng nhất, có tính chất tinh hoa đó là văn học. Văn học Việt Nam góp phần tạo nên nền văn hiến riêng của người Việt Nam. Đó cũng chính là lý do để Lê Quý Đôn là toàn bộ Toàn Việt thi lục, như là toàn bộ tuyển tập lớn nhất từ trước đến bây giờ. Lê Quý Đôn viết “Nước Việt Nam ta mở mang nền văn minh, vốn không kém Trung Hoa…Mong qua tập thơ này thu lấy tinh hoa của nước nhà trong mấy trăm năm lượm lấy tiếng thơm của vài chục nhà, gắng sức xếp thu một mối”.
2. Những điểm khác nhau
Thứ nhất : Quan hệ giữa văn học và chính trị xã hội.
Thứ hai : Đặc trưng của nội dung trữ tình Trung Hoa và nội dung trữ tình Việt Nam.
Trong bất kỳ nền văn học nào cũng đều có nhiều quan niệm “loại” văn học khác nhau: văn học giải trí, văn học như một trò chơi, văn học giúp đời, giúp văn học quan phương v.v…Nhưng văn học quan niệm chủ đạo, tức là trong loại văn học được coi là có gia trị nhất thì quan niệm văn học nào chiếm vị trí trọng yếu? Văn học là hạng nhất của Nhật Bản phải kể là: Truyện chàng Genji (Genji monogatari), Truyện vũ tướng Taira (Heike monogatari), Ghi chép để dưới gối ( Makura no sôshi ) Ghi chép lúc nhàn rỗi (Tsurezure gusa), tiểu thuyết của Ihara Saikaku… Về thơ là Tanka, Chôka từ Vạn diệp tập (Manyôshu), đến các bộ ngự tuyển sau đó: Cổ kim Hoà ca tập, Tân cổ kim Hòa ca tập, Hậu tuyển tập, Thiên tải Hòa ca tập, Haikai của Bashô, Buson, Issa… Và về sân khấu thì tiêu biểu nhất là Nô. Cảm giác chung khi đọc loại văn học như thế là dường như thế là dường như văn học không dính dáng gì đế những vấn đề chính trị, xã hội. Văn học chỉ ghi lại những xúc động trong tâm hồn, những rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nỗi bi ai nào đó về cái vô thường của nhân sinh…Suzuki Shiji đã viết một cách xác đáng như sau:
“Nếu tâm hồn rung động là đã có mầm mống văn học rồi, đó là cách nghĩ có tính nguyên lý. Đó là suy nghĩ phát hiện văn học có tính chất chất phác, nhạy cảm, được coi là điểm căn bản. Nếu nhìn tứ phương diện khác là khá vô mục đích. Cái vô mục đích có tính nhạy cảm đó là cái tính gắn liền với tính chất riêng của văn học Nhật Bản” (Văn học Trung Quốc và văn học Nhật Bản – tr. 76) (1).
Tuy nhiên cũng có thể đặt vấn đề là loại tiểu thuyết quân ký như Truyện vũ tướng Taira (Heike monogatari), Truyện về loạn thời Bình Trị (Heiji monogatari), Thái bình ký (Taiheiki)… thì như thế nào. Heikei monogatari viết về việc tranh quyền lợi giữa hai dòng họ Taira và Minamoto, Taiheiki viết về cuộc loạn tranh giành quyền lợi giữa hai dòng họ Taira và Minamoto Taiheiki viết về cuộc loạn tranh thời Kiến Vũ Trung hưng… Thì nó phải có thái độ chính trị, có tính chất phe phái chứ? Tất nhiên vấn đề này cũng cần phải được suy nghĩ nghiêm chỉnh. Nhưng cũng có thể nói là, viết về chiến tranh, nhưng tác giả của những bộ tiểu thuyết quân ký này muốn thể hiện cái vô thường của quyền lực và vinh hoa, một cái nhìn có tính cách triết lý tôn giáo chứ không phải một thái độ chính trị. Lời mở đầu nổi tiếng của cuốn Heike monogatari đã viết:” Tiếng chuông chùa Gion có âm hưởng của thế giới vô thường. Sắc hoa cây Sala như nhắn nhủ thịnh rồi sẽ suy”.
Tất nhiên, như đã nói ở phần trên, văn học Nhật Bản cũng không xa lạ gì với quan niệm văn là để chở đạo. Đặc biệt là vào thời Edo. Mạc phủ phái Chu tử ra sức đề cao quan niệm văn học phải để giúp đời. Hayashi Razan (1583-1657) viết: “Văn có thể truyền bá đạo, chứ không phải đạo để truyền bá văn. Đạo không ở ngoài văn, văn cũng không ở ngoài đạo. Cho nên có thể nói rằng văn là công cụ để thấu hiểu đạo”; hay nữa: “Có đạo thì có văn, không có đạo thì không có văn. Văn với đạo, về lý thì giống nhau mà việc thì khác nhau. Đạo là gốc của văn vậy. Văn là ngọn của đạo vậy” (1)… Tuy nhiên quan điểm trên có tính chất lý thuyết, khó thâm nhập được sâu rộng vào văn học, đặc biệt là “văn học loại một”. Không có tác phẩm văn học lớn nào, tức là “văn học loại một” viết ừ chủ trương trên.
Tóm lại, nói văn học là sự ghi lại cảm xúc có tính cách nhạy cảm, mơ hồ, nói cách khác văn học “viết chơi”, văn học có vẻ vô mục đích là quan niệm nổi bật của văn học Nhật Bản cổ điển. Tính chất thoát ly chính trị là đặc chất của quan niệm văn học Nhật Bản.
Tại sao lại như vậy? Trả lời câu hỏi này phải đi vào tìm hiểu cơ cấu xã hội Nhật Bản, giai tầng chủ yếu và tư tưởng chủ yếu chi phối văn học trong quá khứ. Từ thời Nara cho đến thời cận đại, người sáng tác và tiếp nhận văn học chủ yếu là phụ nữ cung đình, các nhà sư, ẩn giả và thị dân. Những tên tuổi sáng chói nhất của văn học Nhật Bản đều nằm trong số này. Soto-ori Hime, một trong “Hòa ca tam thần”, Ono No Komachi, một trong “Lục ca tiên”; Murasaki Shikibu, tác giả Truyện chàng Genji I (Genji monogatari), Sei Shōnagon tác giả tập tùy bút Ghi chép để dưới gối (Makura no sôshi), nhiều tác giả của các tập tùy bút thời Heian (thế kỷ IX-XII)… đều là phụ nữ cung đình. Kisen, Kazan Sôjô là ca nhân thời Heian, trong nhóm “Lục ca tiên”; Kenkô Hôshi tác giả tập tùy bút Ghi chép lúc nhà rỗi (Tsurezure gusa), rồi các nhà thơ (hài nhân) lừng danh thời Edo như Matsuo Bashô, Yosa Buson, Kobayashi Issa… đều là nhà sư hoặc ẩn giả; Ihara Saikaku và nhiều nhà văn thời Edo khác nữa là thị dân.
Với gia tầng chi phối văn học trên đây thì việc văn học thoát ly chính trị là đương nhiên. Bởi vì mối quan tâm của phụ nữ quý tộc, của nhà sư và thị dân không phải là chính trị. Đối với chính trị, họ là người ngoài cuộc.
Thế nhưng việc có nhiều thi nhân đồng thời cũng là quan lại thì sao? Ví dụ: Kakinomoto No Hitomaro, Yamabe No Akahito, hai ca nhân có tiếng thời Nara, được xưng tụng là “ca thánh”, cũng đều làm quan, dù chỉ là quan cấp thấp.
Kino Tomonori, Ōshikōchi no Mitsune và nhiều ca nhân trong “Tam thập lục ca tiên” khác nữa, ít nhiều cũng có làm quan. Tại sao những người này làm quan mà tác phẩm của họ không đề cập đến chính trị.
Để trả lời câu hỏi này phải nói đến cơ cấu xạ hội, tư tưởng Nhật Bản đương thời. Nho học du nhập vào Nhật Bản khá sớm, khoảng đầu thế kỷ VI. Thế nhưng ảnh hưởng của Nho học chỉ dừng lại ở phạm vi chính trị như đã thấy ở thời Đại Hóa Cải Tân và Đại Bảo Luật Lệnh. Nhật Bản không áp dụng chế độ thi tuyển quan lại như ở Trung Quốc và Việt Nam, vì thế tầng lớp quan lại không cần phải là Nho sĩ, không cần phải thấm nhuần tư tưởng Nho gia. Tầng lớp cai trị Nhật Bản là quý tộc (thời Nara và Heian) và võ sĩ (từ thời Kamakura trở về sau). Tư tưởng mà họ tiếp nhận một cách sâu sắc là Phật giáo, chứ không phải Nho giáo. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc tới mức tạo nên tình cảm và thế giới quan của họ. Cái tạo nên đặc chất trong văn học Nhật Bản là tư tưởng Phật giáo chứ không phải Nho giáo. Nếu như Nho giáo là một học thuyết nhập thế để giúp đời, tất nhiên là có tính chất chính trị rõ nét, thì Phật giáo là một học thuyết xuất thế, không hướng vào những vấn đề xã hội, nó có khuynh hướng tôn giáo, vì thế thoát ly chính trị là đương nhiên, nên trong văn học Nhật Bản, khuynh hướng thoát ly chính trị là dòng chủ lưu.
Nếu như trong văn học Nhật Bản khuynh hướng thoát ly chính trị nổi bật thì ngược lại ở Việt Nam khuynh hướng gắn bó với chính trị là nổi bật. Từ Lý Thường Kiệt, Trần Quan Khải đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Đình Chiểu… thơ văn của các ông ít nhiều cũng đề cập đến chính trị, hơn nữa thỉnh thoảng họ còn tuyên bố chủ trương làm văn học giúp nước. Nguyễn Trãi viết:
Đao bút phải dùng tài đã vẹn,
Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên.
Vệ Nam mãi mãi ra tay thước,
Điện Bắc đà đà yên phận tiên.
Bút cũng có khi phải được dùng như thanh kiếm để giúp nước, đánh đuổi quân xâm lược. Trần Thái Tông đã từng nói về sức mạnh lớn lao của văn học:” Ngòi bút có sức mạnh phá được ngàn quân”. Nguyễn Đình Chiểu thì nói đến ngòi bút chở đạo, đâm gian:” Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Quan niệm này có nguồn gốc xã hội của nó. Ai cũng biết giai tầng chi phối xã hội và văn học Việt Nam là nho sĩ. Nho học được đưa vào Việt Nam từ thời Hậu Hán (khoảng đầu công nguyên). Nhưng suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, Nho giáo không phát triển được. Cơ cấu xạ hội và tư tưởng Việt Nam về cơ bản vẫn thuộc cơ cấu Đông Nam Á. Chỉ từ khi thành lập các vương triều Việt Nam có tính chất độc lập, đặc biệt từ cuối đời Trần trở về sau, để đối phó với sự đe dọa từ phương Bắc – một quốc gia có cấu trúc Nho giáo , thì Nho giáo mới phát triển mạnh ở Việt Nam. Đến thời Lê, Nho giáo được công nhận chính thức điển chế Trung Hoa và chế độ khoa cử được áp dụng một cách toàn diện ở Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam, giai tầng nho sĩ xuất hiện. Nho học là thuyết hướng vào xã hội, không chú ý đến những vấn đề siêu hình như vũ trụ, sự tồn tại của con người ở kiếp sau…Người học chữ Nho là để chuẩn bị gia nhập vào tầng lớp sĩ phu. Chính trị đối với họ là hết sức thiết thân. “Nhân sự chính vi đại” -Khổng Tử đã nói như vậy. Đạo “Tu, tề, trị, bình”, ước mong kinh bang tế thế , thượng trí quân hạ trạch dân, người nào cũng thuộc lòng. Thơ văn đề vịnh “không phải là công việc nên là của giới phấn son”; văn chương có ý nghĩa lớn lao:” Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự kinh bang tế thế” (Lê Quý Đôn) (1). Nhiều nhà văn loại một của Việt Nam đồng thời cũng là chính trị gia, là quan lại cao cấp. Nguyễn Trãi là công thần khai quốc, làm quan đến chức tể tướng. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ cũng là quan đầu tỉnh. Cao Bá Quát làm quan cấp thấp, Nguyễn Đình Chiểu không làm quan nhưng cả hai đều thấm nhuần lý tưởng giúp đời. Vì thế văn học Việt Nam gắn bó với chính trị là điều dể hiểu. Nhưng các văn thi sĩ Việt Nam cũng có nhiều người không phải nho sĩ thì sao ? Thời Lý – Trần, người làm thơ chủ yếu là nhà sư. Thời cuối Lê đầu Nguyễn, nhiều nhà thơ là phụ nữ (Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan). Tất nhiên họ không chủ trương làm văn học tải tạo. Nhưng nhiều người trong số họ không xa lạ gì với văn học có ích. Quốc sư Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh từng làm loại văn học phụng sự chính trị. Văn học nữ lưu tuy không nói đến chính trị nhưng cũng rất gần gũi với những vấn đề nhân sinh, xã hội đương thời.
Nói như trên thì quan niệm văn học Việt Nam có khác gì văn học Trung Quốc. Có thể trả lời: cũng có điểm khác. Trước hết là nội dung khái niệm. Đạo không phải bao giờ cũng là đạo lý Nho gia. Lớn hơn cái ấy là trách nhiệm đất nước. Nhà văn Việt Nam không phải chỉ có mỗi tư tưởng Nho giáo và không phải lúc nào cũng làm quan. Rất nhiều người bị buộc phải thoái chức, họ trở thành những ẩn sĩ. Nhưng là ẩn sĩ nhưng lòng vẫn không lúc nào nguôi trách nhiệm với nước với dân (như thơ văn khi ẩn dật của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ…). Các nho sĩ Trung Quốc khi ẩn dật thì không nghĩa đến việc đời nữa. Đó là điểm khác biệt lớn giữa trí thức Trung Quốc và trí thức Việt Nam.
Quan niệm “Thi ngôn chí” cũng không hoàn toàn giống nhau. Chí không chỉ là chí hướng, có tính chất lý tính, mà đối với các nhà văn Việt Nam, chí rất gần với tình cảm, chí có khi được đồng hóa với tình cảm.
Cũng phải thừa nhận rằng không phải bao giờ ở Việt Nam cũng chỉ có mỗi quan niệm văn học gắn liền với chính trị. Thơ văn của các thiền sư thời Lý-Trần là một ví dụ. Thơ của họ ghi lại niềm xúc động của tâm hồn trước vẻ đẹp của thiên nhiên, những suy tư về sự vô thường của nhân sinh, nhiều bài thể hiện tư tưởng “phá chấp” của Thiền tông, đồng thời cũng là thể hiện niềm tin ở con người, và sự hòa điệu giữa con người và vũ trụ.
Như vậy đối với các Thiền sư thời Lý – Trần, thì văn học không thể nói là khí cụ để kinh bang tế thế được, cũng có nghĩa không có nội dung chính trị. Và điểm này cũng không khác lắm quan niệm chủ lưu của văn học Nhật Bản.
Trong văn học Việt Nam cũng có một dòng văn học loại một, mặc dù không được đề cao trong thời phong kiến, nhưng cũng rất mạnh, tạo nên đặc chất của văn học Việt Nam: Truyền thuyết dân gian, ca dao, dân ca và văn học chữ Nôm. Văn học chữ Nôm đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ XVIII-XIX với hai thể thơ dân tộc là ngâm khúc (thể song thất lục bát) và truyện thơ trường thiên (thể lục bát). Thể thơ ghi lại chất trữ tình riêng của người Việt Nam không thể hiện ở đâu khác tốt hơn ngoài thể thơ riêng của dân tộc mình. Chính trong lòng thơ ca này nhà văn Việt Nam cũng có quan niệm văn học riêng. Trong kiệt tác đỉnh cao là Truyện Kiều, Nguyễn Du bộc lộ quan niệm văn học của mình ở hai câu kết thúc tác phẩm:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mau vui cũng được một vài trống canh.
Tại sao lại nói là “lời quê”? Vì văn này không viết bằng “ngôn ngữ cao quý” của thánh hiền, mà viết bằng ngôn ngữ của “người hái dâu, dệt vải” (“tang ma ngữ”), tức là ngôn ngữ mẹ đẻ, là Tiếng Việt. Matsuo Bashō cũng nói tương tự:” Sự bắt đầu của thơ là bài hát của người trồng lúa nơi miền thâm sâu”.
Văn học chỉ để chơi thôi, chỉ là chuyện “mua vui” vì nó không phải là “văn học tải đạo”. Văn học là cái gì để ghi lại xúc động của tâm hồn trước khổ cảnh của con người, của kiếp người. Điều ấy thể hiện trong phần mở đầu tác phẩm Truyện kiều:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
Nếu vậy quan niệm văn học như thế này có khác gì quan niệm của Murasaki khi viết Genji monoratari hay đa số các nhà văn Nhật Bản hàng đầu không? Không khác lắm. Nhưng khác là ở cách cảm, cách nghĩ về thế giới và nhân sinh. Nói một cách khác, đó là hai loại trữ tình khác nhau: trữ tình Việt Nam và trữ tình Nhật Bản.
3. “Mono no aware” và tình nghĩa
Từ lâu nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chỉ ra rằng mononoaware là đặc chất trữ tình Nhật Bản; mononoaware shiru biết mono no aware là quan niệm riêng của người Nhật Bản về văn học.
Mononoaware được nói đến từ lâu trong văn học Nhật Bản. Trong Genji monogatari, xuất hiện ở 14 chỗ. Rồi trong Makura sôshi, Tsurejure gusa cũng nói đến mononoaware. Đến thời Edo thì mononoaware là từ được nói đến thường xuyên trong sinh hoạt. Nhưng Motoori Norinaga là người đả có công giải thích mononoaware một cách chi tiết, hệ thống hóa, đưa nó lên thành lý luận có thể nó là độc đáo của riêng ông. Theo Hino Tatsuo thì từ thuyết của Motoori rút ra hai điểm sau đây:
- Tinh thần biết mononoaware là tinh thần cố hữu của Nhật Bản. Từ khi Nho giáo, Phật giáo truyền vào đến nay những lời giáo huấn trang sức bề ngoài làm sai đi cái tâm vốn có của Nhật Bản, làm cho mononoaware lần lượt bị mất đi, vì thế cần phải phê phán nghiêm khắc Nho giáo, Phật giáo, cần phải làm cho mọi người quay trở về với Thần đạo là cái tập trung được tinh thần cố hữu của người Nhật Bản.
- Về mặt nguyên lý văn học, Motoori đã cho rằng:”biết mononoaware” là khởi nguyên của văn học, đã minh xác việc văn học , đặc biệt là Genji monogatari khỏi sự phê bình có tính cách “khuyến thiện trừng ác” lúc bấy giờ.
Vừa chịu ảnh hưởng cách nghĩ của Nho giáo, vừa muốn đối ứng lại với Nho giáo, Motoori Norinaga đã nâng mononoware lên bình diện nhận thức luận với tư cách là một học thuyết triết học:” Nếu mở rộng cái điều hiểu biết mononoware ra, có thể đủ đạt đến cái đạo tu thân, tề gia, trị quốc…” (tr.507). Mononoware có ý nghĩa rất rộng. Những việc tình người đáng cảm động sâu sắc đều là mononoware. Biết mononoware là biết rung động một cách thành thực:” Việc đáng vui thì vui, việc đáng buồn cười thì buồn cười, việc đáng buồn cứ buồn, người đáng yêu cứ yêu, rung động trong cõi lòng như thế là biết mononoware vậy “(Lời nói thầm trên đá)” (1).
Mononoaware có ý nghĩa triết học rất sâu sắc. Đọc luận văn mononoaware của Motoori Norinaga, chúng ta liên tưởng đến “đạo” của Lão tử, “tính thiện” của Mạnh tử, “Phật tính” của Thiền tông, và cả thuyết “Thiên lương” của thi sĩ Việt Nam Tản Đà. Mặc dù vậy mononoaware đối với người Nhật Bản cũng có ý nghĩa riêng. Mononoaware đặc biệt dễ rung động trước nỗi buồn, trước cái đẹp, trước tình yêu và cái vô thường. Câu:” Mononoaware chính vào mùa thu lại dâng lên”, trong Tsurezure gusa cho thấy hàm nghĩa xác định cụ thể của mononoaware. Vì thế khi phải dịch từ này sang tiếng Trung Quốc. Suzuki Shuji đã dịch là “niềm bi ai có tính chất Nhật Bản” (Nhật Bản đích bi ai)
Mononoaware là đặc trưng của trữ tình Nhật Bản. Cái gọi là “hiểu biết mononoaware” là tư thế tham gia vào văn học của người Nhật Bản. Ngược lại, sáng tác văn học cũng phải có nhiệm vụ thể hiện một cách chân thành cái tình cảm thực của con người một cách không trang sức hư ngụy. Văn học Nhật Bản coi trọng mononoaware nên cái hay của nó là ở cái đẹp, cái buồn, cái cao quí, tinh tế và có tính chất nữ tính.
Việc nhiều phụ nữ tham gia văn học nói ở phần trên có liên quan chặt chẽ đến điều này. Có phải vì phụ nữ tham gia sáng tác văn học n6n văn học Nhật Bản có nạy cảm, tinh tế (như là cốt lõi của mononoaware) hay ngược lại, vì trữ tình b coi trọng mononoaware nên phụ nữ chiếm địa vị quan trọng trong sáng tác văn học ? Nói gì thì nói mononoaware đã trở thành truyền thống trữ tình của Nhật Bản, nên ngay cả nam giới có nho học hay quan chức sáng tác văn học thì vẫn thể hiện mononoaware. Cùng với quan niệm thoát ly chính trị, thì “biết mononoaware” cũng là một quan niệm có tính chất căn bản của văn học Nhật Bản.
Nếu nói đặc trưng của trữ tình Nhật Bản là mononoaware, của Trung Quốc là “phong cốt” (phong lưu, khí cốt, khí phách…) thì đặc trưng của trữ tình Việt Nam là gì? Văn học Việt Nam không nói nhiều đến những vấn đề siêu hình, không thể hiện nhiều nỗi bi ai trước cái vô thường, nên trữ tình Việt Nam tất nhiên không phải là cái gọi là mononoaware, kể cả cái bi ai cũng không phải. Thơ Việt Nam có cái trữ tình “Phong cốt” không? Có ! Không thể phủ nhận được thơ Lý, Đỗ. Nhưng nói rằng “Phong cốt” cũng là dòng chủ lưu của trữ tình Việt Nam thì hoàn toàn sai lầm. “Phong cốt” chủ yếu thể hiện trong thơ chữ Hán (Hán thi của Nhật Bản cũng có thơ “Phong cốt”). “Phong cốt” ít được thể hiện trong thơ chữ Nôm. Trữ tình riêng của người Việt Nam nằm trong dòng văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ. Trong thơ ca chữ Nôm không có nỗi bi ai của sự rung động tinh tế củ tâm hồn, cũng ít có cái khí phách bừng bừng tinh thần đạo nghĩa, mà chỉ có tình người, tình nghĩa. Đó là những tình cảm gần gũi, tình cảm đi gần với lòng biết ơn, với tình nghĩa sống có trước sau – “Thương nhau một buổi nhớ nhau trọn đời” (ca dao), tình nghĩa mẹ con, tình yêu, tình nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa nước, là nỗi đau trước nỗi khổ của con người …Nó khác với đạo lý “Tam cương ngũ thường” của Nho giáo. Đạo lý Nho giáo là nghĩa vụ, bổn phận, còn tình nghĩa ở đây là tình cảm. Ví dụ: “hiếu” trước hết là bổn phận, trước hết là đối với cha – như là người chủ gia đình. Nhưng tình nghĩa Việt Nam là tình cảm và lòng biết ơn – với cha mẹ:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.
Trong tình yêu lại ít diễn ta sự rung động mà sự xa cách, sự chờ đợi, lòng chung thủy… Môtip “chờ đợi” và “tìm lại người xưa” là hai môtip được nói đến nhiều nhất trong thơ lục bát Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du sỡ dĩ được yêu thích vì nó thể hiện đúng trữ tình đặc sắc riêng của người Việt. Chúng tôi không nghĩa rằng thơ nước ngoài không có tình nghĩa, nhưng nói rằng tình yêu là nội dung chủ yếu, là đặc trưng của trữ tình Việt Nam, ngay cả trong thơ lục bát hiện đại. Thậm chí đối với Hồ Xuân Hương được biết đến như nhà thơ nữ “nổi loạn”, nhà thơ có tính chất tính dục, thì những bài thơ cảm động nhất của bà là những bài rất tình nghĩa:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
(Mời Trầu)
Như vậy có thể mạnh dạn khẳng định rằng “Tình nghĩa” là đặc trưng của nội dung trữ tình Việt Nam, bên cạnh “Phong cốt” đặc trưng của văn học Trung Quốc, “mononoware” đặc trưng của Nhật Bản.
Không như mononoware được bàn đến nhiều ở Nhật Bản, trữ tình riêng của người Việt Nam chưa từng được nghiên cứu một cách đầy đủ. Tuy nhiên ít nhiều cũng đã được các nhà văn, học giả thời trung đại bàn đến. Ý kiến nổi bật nhất là của Lê Quý Đôn, nhà nghiên cứu lỗi lạc nhất thời Lê Mạt, tập đại thành văn hóa cổ điển Việt Nam. Khi luận về thơ, ông viết:” Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự” (1). Oâng không nói “ngôn chí” như cách nói phổ biến lúc bấy giờ, mà cho tình cảm là yếu tố trước hết. Trong những bài phê bình Truyện Kiều thì bài viết xác đáng nhất là của Mộng Liên Đường chủ nhân (thế kỷ thứ XIX). Tác giả này viết:” (trong Truyện Kiều) lời văn viết ra như có máu chảy ở đầu ngọn bút”; “Phải có con mắt nhìn thấu suốt sáu cõi (vũ trụ), tấm lòng thấu hết nghìn đời mới có thể viết được như vậy”(2). Như thế thì đặc chất của Truyện Kiều là ở tình cảm. Là hiểu thấu tình người. Nói một cách chính xác hơn nữa là tình nghĩa.
Nói tóm lại, nếu đặc chất của trữ tình Nhật Bản là mononoware, của Trung Quốc là “phong cốt”, thì ở Việt Nam là “tình nghĩa”. Điều này có những nguyên nhân xã hội, tư tưởng của nó. Dòng chính thống của văn học Trung Quốc bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo. Văn học Nhật Bản chủ yếu bị chi phối bởi tư tưởng Phật giáo. Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố phong thổ riêng và những yếu tố “tiền Phật giáo” (có thể có những yếu tố Nam Á, Đông Nam Á, chẳng hạn, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản khẳng định). Còn ở Việt Nam, ngoài cơ tầng văn hóa Đông Á (Nho giáo là chủ yếu) còn có cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Cơ tầng náy có tứ rất xa xưa, gắn liền với phương thức canh tác lúa nước và văn hóa làng xã. Văn hóa Đông Nam Á ở Việt Nam tồn tại dai dẳng và mảnh liệt ở các làng Việt Nam cho đến ngày nay. Việc trồng lúa khiến cho người Việt phải sinh sống theo làng để hợp sức với nhau làm thủy lợi và bảo vệ đê. Vì thế sự gắn bó với làng rất mạnh. Đề cao tình cảm là đặc tính của văn hóa Đông Nam Á. Từ gọi là “tình” có nguồn gốc Trung Quốc. Tiếng Việt xa xưa có lẽ dùng chữ “lòng”, “bụng” với ý nghĩa tương đương. Ngay cả ngày nay ở vùng quê Việt Nam, người ta không nói “yêu” mà nói “phải lòng”, không nói “đồng ý” mà nói “vừa bụng”, “vừa lòng”, không nói “có tình” mà nói “có lòng”. Tình không chỉ là tình cảm, thời xưa nó còn có ý nghĩa nhận thức luận. Sự khác nhau giữa văn hóa Việt Nam và văn học Nhật Bản là do vai trò khác nhau của Nho giáo và Phật giáo, của cơ tầng Đông Nam Á và Đông Á, cùng điều kiện lịch sử, địa lý riêng của từng nước quyết định. Chúng tôi nghĩ rằng điểm căn bản để xem xét dẫu chỉ là sự khác nhau về quan niệm văn học giữa văn học Việt Nam và Nhật Bản cũng phải từ chỗ đó
Đã đăng trong: Tạp chí Văn học số 9 –1997 và Tuyển tập 40 năm tạp chí văn học, tập 2, Viện Văn học, nxb. TP.HCM, 1999